Nguy cơ dừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM

Tưởng chừng 7% khối lượng việc còn lại của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ không “vấp” thêm rào cản nào để về đích nhưng lại đang đối mặt với nguy cơ dừng thi công khi hiệu lực tái cấp vốn đã hết.
Nguy cơ dừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM ảnh 1Các phương tiện lưu thông trong tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Sau nhiều lần trễ hẹn rồi gia hạn, đến nay, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 theo hình thức BT, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư gần về tới đích khi tiến độ xây dựng đạt 93%.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đang từng ngày mong mỏi, chờ đợi dự án hoàn thành để cải thiện tình hình ngập lụt diễn ra nhiều năm qua…

Nguy cơ dừng dự án

Tưởng chừng 7% khối lượng công việc còn lại của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ không phải “vấp” thêm rào cản nào nữa để có thể “băng băng” về đích nhưng thực tế dự án đang đối mặt với nguy cơ dừng thi công khi hiệu lực tái cấp vốn vào ngày 30/9 vừa qua đã hết (giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng còn lại) và cần phải ký Phụ lục hợp đồng để Ngân hàng Nhà nước xem xét thủ tục tái cấp vốn, thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, dù nỗ lực giải quyết nhưng vẫn đang trong tình trạng "loay hoay."

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, mặc dù vừa qua huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh (nơi dự án triển khai) đã giải quyết xong và bàn giao mặt bằng của 20 hộ dân nhưng chủ đầu tư chưa dám nhận vì nếu nhận cũng chưa thể thi công do chưa được giải ngân vốn, chưa được ký Phụ lục hợp đồng để mua bảo hiểm giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình thi công.

Do chưa được ký Phụ lục hợp đồng nên nếu tiếp tục triển khai sẽ vướng mắc pháp lý. Trước đó, từ tháng 4/2017 dự án đã phải tạm ngưng gần 1 năm, sau đó được Ủy ban Nhân dân Thành phố cho tái khởi động lại, rồi lại điều chỉnh, rà soát, thi công đến tháng 6/2019 buộc phải dừng do hết hợp đồng và mất 5 tháng sau mới ký Phụ lục hợp đồng. Vào tháng Tư vừa qua dự án mới được tái cấp vốn nhưng đến tháng Sáu vừa qua lại hết hạn Phụ lục hợp đồng và phải ký tiếp.

Nếu dự án sớm bàn giao mặt bằng theo đúng cam kết ngay từ đầu, đã hoàn thành. Hiện nay các cửa van cống ngăn triều đã lắp hết, duy chỉ còn tuyến đê kè chưa xong tại một số vị trí và thi công cống Mương Chuối chưa hoàn thành. Trong khi đó, quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố cân đối, tính toán nhưng đến nay dự án gần xong nhưng chủ đầu tư vẫn chưa được giao khu đất nào theo hợp đồng BT đã ký.

[Giải quyết dứt điểm ngập nước trong 5 năm tới, liệu có khả thi?]

Theo tính toán của ông Nguyễn Tâm Tiến, việc dừng thi công dự án sẽ gây nhiều hệ lụy. Do dừng thi công, giải tán công trường nên sau khi khởi động lại sẽ mất từ 3-4 tháng huy động lại máy móc, thiết bị, tổ chức nhân công, kỹ sư. Cùng với đó, các dự án điều tiết giao thông thủy để phục vụ dự án cũng sẽ dừng theo. Mặt khác dừng thi công dự án sẽ làm tăng lãi suất vốn vay, cộng vào tổng vốn đầu tư, lúc này sẽ phát sinh các chi phí vượt quá khả năng của chủ đầu tư, dễ phát sinh tranh tụng pháp lý.

“Khi chưa được ký Phụ lục hợp đồng để tái cấp vốn, mỗi ngày chủ đầu tư thiệt hại 200 triệu đồng, chưa kể tiền lãi vay ngân hàng. Do hết hiệu lực gia hạn hợp đồng, phải gia hạn thêm trong khi thời hạn Giấy chứng nhận đầu tư cũng hết, sẽ phải làm lại từ đầu, mất nhiều thời gian. Chủ đầu tư đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết liệt hơn trong việc ký Phụ lục hợp đồng, bố trí vốn hoặc thỏa thuận Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn thời gian tái cấp vốn cho dự án,” ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay.

Loay hoay giải quyết

Xuyên suốt quá trình “thai nghén,” triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đều đã quyết tâm nỗ lực giải quyết để dự án hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả chống ngập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố. Tuy nhiên việc giải quyết các phát sinh liên quan đến pháp lý không hề đơn giản, đôi khi lâm vào cảnh “loay hoay,” lúng túng, nhất là việc giải quyết cơ chế thanh toán cho dự án BT.

Tại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); tái cấp vốn cho BIDV để có nguồn vốn cho vay nhà đầu tư thực hiện dự án chống ngập. Lãi suất tái cấp vốn theo lãi suất ưu đãi có cộng một khoản phí cho BIDV.

Theo Quyết định số 770/QĐ-NHNN ngày 27/4/2020 của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn để giải ngân số tiền tái cấp vốn giữa Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng BIDV đã hết vào ngày 30/9 vừa qua. Tháng 12 này, Ủy ban Nhân dân Thành phố phải giải ngân cho Trung Nam Group trả nợ cho BIDV để BIDV trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước với số tiền 2.639 tỷ đồng.

Để đảm bảo quyền lợi được quy định trong Hợp đồng BT, phía BIDV đã liên tục “hối” Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm giải quyết. Cụ thể, trong văn bản số 6226/BIDV-KHDNL (ngày 14/10/2020), Ngân hàng BIDV đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm ký kết Phụ lục hợp đồng BT dự án điều chỉnh với nhà đầu tư. Đến ngày 19/11 vừa qua, BIDV tiếp tục có văn bản số 987/BIDV-KHDNL “thúc” tiến độ thanh toán của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguy cơ dừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM ảnh 2Ngập tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp giữa huyện Nhà Bè và quận 7. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trước đó, trong tháng Chín vừa qua, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo lịch thanh toán cho nhà đầu tư không thay đổi tại Quyết định 770/QĐ-NHNN ngày 27/4/2020 của Ngân hàng Nhà nước dù đề nghị gia hạn thời gian tái cấp vốn cho dự án.

Thực tế cho thấy, nếu không thực hiện tiếp tục giải ngân khoản vay tái cấp vốn, dự án chống ngập sẽ bị ngừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ chung đồng thời có nguy cơ dự án không tiếp tục được hưởng các cơ chế ưu đãi đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng theo hợp đồng BT, các Phụ lục hợp đồng BT đã ký kết; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục gia hạn thời gian tái cấp vốn, giải ngân ngay cho Ngân hàng BIDV để đảm bảo nguồn vốn cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án mà không cần điều kiện phải có Phụ lục hợp đồng được ký kết. Đồng thời không tính lãi vay từ thời điểm hết hiệu lực tái cấp vốn (ngày 30/9/2020) đến khi dự án được tiếp tục giải ngân.

Vào ngày 24/9 vừa qua, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 736/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Võ Văn Hoan, giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xem xét, ký kết Phụ lục hợp đồng BT dự án. Đáng chú ý Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ thanh toán Hợp đồng BT dự án theo đúng kế hoạch thanh toán tại Quyết định 770/QĐ-NHNN ngày 27/4/2020 của Ngân hàng Nhà nước và kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Thông báo số 314/TB-KTNN ngày 6/7/2018 (thanh toán trước ngày 25/9/2020).

Quan điểm chỉ đạo này của Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố nhắc lại trong Văn bản số 8913/VP-DA ngày 15/10/2020 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời lưu ý: “Nếu chậm hoàn thành việc ký kết Phụ lục hợp đồng BT dự án, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân Thành phố.”

Tuy nhiên đến ngày 25/9 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố vẫn chưa thanh toán cho Trung Nam Group để Trung Nam Group trả nợ cho BIDV trả dư nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước số tiền 2.639 tỷ đồng.

Trong khi đó, trải qua 6 phiên đàm phán, đến ngày 26/10 vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là Tổ trưởng Tổ đàm phán Phụ lục hợp đồng BT dự án đã có Báo cáo số 8132/SKHĐT-PPP gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét, chấp thuận kết quả đàm phán và ký kết Phụ lục hợp đồng BT để làm cơ sở thực hiện thủ tục thời gian giải ngân tái cấp vốn.

Để làm rõ định hướng xử lý cũng như quan điểm của Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố về báo cáo này, chiều 4/12 phóng viên TTXVN tiếp tục liên hệ với ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không nhận được phản hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục