Ngày 18/4, ông Vũ Xuân Thành - Vụ trưởng vụ Quản lý đê điều-Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại một số địa phương diễn ra kéo dài thời gian qua đã làm thay đổi dòng chảy gây sạt bờ sông, kè... dẫn đến mất an toàn đê điều.
Đặc biệt, nguy hiểm hơn là việc này làm biến dạng đê, thay đổi kết cấu (không nhìn thấy được), khi lũ về có thể làm sập đê bất cứ lúc nào.
Ông Thành cho biết thêm tình hình hút cát sỏi lòng sông, lập bến bãi tập kết vật liệu trái phép diễn ra phổ biến tại các tuyến sông trên địa bàn cả nước, với quy mô, khối lượng lớn và diễn biến ngày càng phức tạp.
Đặc biệt, tại những đoạn sông giáp ranh giữa các địa phương như khu vực kè Cát Bi sông Hồng giáp ranh giữa huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và huyện Khoái Châu (Hưng Yên), có nguy cơ sạt lở tuyến kè Cát Bi hữu Hồng được nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các dự án nạo vét luồng lạch để khai thác cát, sỏi trái phép, gây sạt lở bờ, bãi sông, đê kè gây bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể, dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, doanh nghiệp đã nạo vét lòng sông có vị trí đến cao trình (-17m), trong khi độ sâu khai thác thiết kế là -2,81m, vượt độ sâu cho phép 14,19m. Hay dự án nạo vét luồng tuyến trên sông Luộc (Hưng Yên) đã nạo vét vào cả phạm vi bảo vệ kè Mai Xá, gây mất an toàn công trình kè.
Việc khai thác cát, sỏi lòng sông với khối lượng lớn, trên phạm vi nhiều tuyến sông đã làm cho lòng sông bị hạ thấp, phân lưu dòng chảy trên các tuyến sông thay đổi.
Theo thống kê, trong 10 năm gần đây, lòng dẫn sông Lô, sông Hồng, sông Đuống hạ thấp từ 3-6m; lưu lượng dòng chảy từ sông Hồng sang sông Đuống tăng từ 24% lên 39%. Do đó, mùa khô tại các tuyến sông mực nước bị hạ thấp, nhiều công trình không lấy được nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều khu vực dân cư, công trình ven sông bị sạt lở.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc quản lý, cấp phép cho các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê. Thậm chí có địa phương chưa thực hiện đúng ý kiến của cơ quan chuyên ngành đê điều nên việc quản lý chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, chính quyền nhiều địa phương chưa thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan và các địa phương tại các địa bàn giáp ranh còn chưa thường xuyên nên hiệu quả xử lý thấp...
Để khắc phục tình trạng này, ông Vũ Xuân Thành cho rằng cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện hút cát, sỏi gây mất an toàn hệ thống đê điều, đồng thời, không cấp phép cho các hoạt động khai thác cát, sỏi khu vực đang có biến động, sạt lở. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão...
Theo báo cáo của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, đối với các tuyến sông, có đến 93 khu vực lòng sông, bãi sông, trong phạm vi khoảng 118 km đê xảy ra tình trạng hút cát. Qua báo cáo của các địa phương, cả nước có 737 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.257 km./.