Nguy cơ một nửa số sông băng trên thế giới biến mất vào năm 2100

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, chiếm khoảng 26% khối lượng sông băng trên thế giới.
Nguy cơ một nửa số sông băng trên thế giới biến mất vào năm 2100 ảnh 1Một nửa số sông băng trên Trái Đất sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu. (Nguồn: News24)

Một nửa số sông băng trên Trái Đất, đặc biệt là những sông băng nhỏ hơn, sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Đây là kết quả một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Science số ra ngày 5/1.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhận định những nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ cứu những con sông băng khác.

Bằng điều này, các tác giả nghiên cứu đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm Trái Đất nóng lên, nhằm hạn chế những hậu quả do sông băng tan, như mực nước biển dâng, cạn kiệt nguồn nước.

[Cảnh báo nguy cơ 'sông băng Ngày tận thế' tan nhanh hơn]

Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của 4 kịch bản đối với sông băng, trong đó dựa trên sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C, 2 độ C, 3 độ C và 4 độ C.

Ngay cả với mục tiêu tham vọng nhất trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu là mức tăng nhiệt của Trái Đất bị giới hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì 49% sông băng trên thế giới cũng sẽ biến mất vào năm 2100.

Theo bà Regine Hock của Đại học Osla và Đại học Alaska Fairnk, đồng tác giả của nghiên cứu, những khu vực có tương đối ít băng như dãy núi Alps ở châu Âu, Caucasus, Andes hay miền Tây nước Mỹ, mất hầu hết toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể kịch bản phát thải nào.

Trong kịch bản xấu nhất là nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C, các sông băng khổng lồ như ở Alaska sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và 83% sông băng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố vào tháng 11/2022, một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới như các sông băng trên dãy Dolomites (Italy), ở các công viên quốc gia Yosemite và Yellowstone (Mỹ) và trên dãy núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ biến mất vào năm 2050 do tình trạng ấm lên toàn cầu.

UNESCO đã theo dõi khoảng 18.600 sông băng tại 50 địa điểm Di sản Thế giới mà tổ chức này công nhận và dự đoán rằng khoảng 33% trong số sông băng này sẽ biến mất vào năm 2050.

Số sông băng còn lại có thể được cứu nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các sông băng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới chiếm khoảng 10% diện tích sông băng trên thế giới, trong đó có một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới.

Do vậy, rất dễ nhận thấy sự biến mất của các sông băng này bởi chúng là những điểm du lịch nổi tiếng trên toàn cầu.

UNESCO khuyến nghị giới chức các nước cần đưa vấn đề bảo vệ sông băng làm trọng tâm trong chính sách, bằng cách tăng cường giám sát và nghiên cứu, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Sự biến mất của các dòng sông băng cũng sẽ tác động đến tài nguyên nước vì sông băng là nguồn cung cấp nước ngọt cho khoảng 2 tỷ người trên Trái Đất. Các sông băng bù đắp lượng nước mất đi vào mùa Hè khi thời tiết nóng nực và ít mưa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục