Nguyên nhân ban đầu của vụ sụp ngôi nhà cổ 107 phố Trần Hưng Đạo

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân tòa nhà cổ sập là qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, với thời tiết mưa liên tục làm tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.
Hiện trường vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đề cập về sự cố xảy ra tại khu nhà 107 Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án Khu vực 1 (đơn vị đường sắt đang trực tiếp quản lý và sử dụng tòa nhà), lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng, nguyên nhân bước đầu được xác định là do tòa nhà đã qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.

Về phía Công an Hà Nội, theo Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng kỹ thuật hình sự, điều tra ban đầu cho thấy tòa nhà được xây từ năm 1905, đã qua sửa chữa tu tạo những năm 1990, có diện tích mặt bằng 1164m2. Như vậy, ngôi nhà đã qua tới 110 năm sử dụng.

Toà nhà này có 3 khối, trong đó khối giữa diện tích 300m2 đã đổ sập ra hai bên lối đi.

Trước đó, theo báo cáo của ngành đường sắt, vào lúc 12 giờ 35 ngày 22/9, cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án Khu vực 1 (đơn vị đường sắt đang trực tiếp quản lý và sử dụng tòa nhà) phát hiện tường của tòa nhà bị nứt và đã báo cáo lãnh đạo Ban kịp thời tổ chức sơ tán toàn bộ cán bộ công nhân viên ra khỏi tòa nhà. Đúng lúc 12 giờ 40 ngày, toàn bộ tầng 2 tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sập đổ.

Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 đã lập tức liên lạc với các đơn vị liên quan (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) để tổ chức cứu hộ.

Lực lượng cứu hộ đã tổ chức cứu hộ hơn 10 người dân sống ở khu vực xung quanh ra khỏi khu vực tòa nhà bị đổ và kịp thời tổ chức đưa người bị thương đi cấp cứu (5 người).

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) trực tiếp chỉ đạo đồng thời điều động 36 dân quân tự vệ ngành đường sắt cùng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa xác nhận chiều 22/9, báo cáo nhanh tại Bệnh viện Việt Đức, nơi các nạn nhân đang điều trị, đến 15 giờ 10 phút ngày 22/9, đã có 1 nạn nhân tử vong là chị Lê Thị Hường-người bán rau tại khu vực này.

Trong chiều nay, đại diện lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp đến thăm hỏi các hộ gia đình trong khu vực bị ảnh hưởng và đến bệnh viện thăm các nạn nhân bị thương do sự cố này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục