Nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc thảo luận về khủng hoảng Ukraine

Ngày 10/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc đã thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Crimea.

Nhà Trắng cho biết tối 9/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc cần tìm ra con đường giải quyết cuộc khủng hoảng về khu vực Crimea của Ukraine một cách hòa bình.
 
"Họ đã khẳng định cùng mong muốn giảm căng thẳng và xác định một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine," Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố đưa ra sáng 10/3.

Trong cuộc điện đàm ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí rằng tất cả các bên cần bình tĩnh và kiềm chế về vấn đề khủng hoảng ở Ukraine nhằm tránh làm leo thang căng thẳng.

Thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "Cần sử dụng các giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng này."

Ông bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ tìm kiếm thu hẹp bất đồng thông qua các kênh liên lạc và tham vấn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh có thái độ mở đối với các đề xuất và kiến nghị có thể giúp giảm căng thẳng tại Ukraine và sẵn lòng duy trì trao đổi thường xuyên với Mỹ và các bên liên quan tại đây.

Về tình hình trong nước tại Ukraine, theo hãng tin ITAR-TASS, ngày 10/3, Phó Thủ tướng thứ nhất của Cộng hòa tự trị Crimea Rustam Temirgaliev tuyên bố chính quyền Crimea sẽ chi từ 1,5-2 triệu USD để tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào LB Nga dự kiến diễn ra vào ngày 16/3 tới.

Trước đó, Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Constantinov khẳng định quyết định của chính quyền Kiev phong tỏa ngân khố quốc gia của Crimea không gây ảnh hưởng đến tiến trình tổ chức cuộc trưng cầu sắp tới. Ông cho biết Crimea có tài chính, ngân sách riêng và cả tiền thuế.

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA của Nga cùng ngày đưa tin Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov tuyên bố sẽ tạo cơ hội cho người dân tại khu tự trị thuộc Ukraine này lựa chọn sử dụng hộ chiếu Nga hay Ukraine trong trường hợp nước cộng hòa này sáp nhập vào Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tuần này.

Cùng ngày 10/3, tại tỉnh Chelyabinsk của Nga, hàng nghìn người dân đã xuống đường tuần hành và tổ chức míttinh ủng hộ người nói tiếng Nga tại Ukraine.

Trước đó, trong nhiều ngày qua, tại nhiều thành phố của Nga cũng đã diễn ra các hoạt động tương tự bày tỏ sự ủng hộ đối với công dân Ukraine nói tiếng Nga và người dân nước Cộng hòa tự trị Crimea./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.