Theo AFP, các quốc gia đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao, như Fiji, Nigeria và Nepal, xem Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP24) - khai mạc tại Ba Lan ngày 3/12 - là cơ hội để kêu gọi các quốc gia giàu có chia sẻ gánh nặng chi phí một cách công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nước chủ nhà Ba Lan - vốn vẫn là quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào nguồn năng lượng từ than đá - dự kiến thúc đẩy mục tiêu của riêng mình: một “cuộc chuyển đổi công bằng” khỏi năng lượng hóa thạch.
Theo Hiệp định Paris ký năm 2015, các quốc gia nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C và thậm chí là 1,5 độ C - nếu có thể. Phái đoàn từ 200 quốc gia có 2 tuần đàm phán để hoàn tất kế hoạch triển khai các mục tiêu này, trong khi giới khoa học cảnh báo rằng tốc độ biến đổi khí hậu đang nhanh hơn rất nhiều so với những phản ứng của con người.
Một trong những tranh cãi then chốt là vấn đề tài chính. Theo Hiệp định Paris, các quốc gia giàu có hơn - “tác giả” chính của lượng khí thải khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính - sẽ đóng đóng góp cho khoản ngân quỹ mà các nước đang phát triển có thể sử dụng để giúp nền kinh tế của họ phát triển theo hướng xanh và sạch hơn.
Tuy nhiên, quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Donald Trump đã hủy hoại lòng tin của các nước đang đứng trước nhiều rủi ro, với lo ngại rằng có thể sẽ không có đủ nguồn tài chính để giúp họ đối phó với tình trạng ấm lên trên toàn cầu.
Ngày 3/12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố số tiền trị giá 200 tỷ USD chi cho các quỹ đầu tư chống lại biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2012-2015, một khởi đầu quan trọng trong các sáng kiến “xanh,” song vẫn là kế hoạch cần tới sự hậu thuẫn của các quỹ quốc gia khác.
COP24 diễn ra trong bối cảnh môi trường Trái Đất không có nhiều tín hiệu tích cực. Nền nhiệt đã tăng chỉ cách mức giới hạn 1 độ C, trong khi Trái Đất gần đây liên tục hứng chịu các thảm họa như cháy rừng, mất mùa trên diện rộng và những cơn bão kinh hoàng do mực nước biển tăng.
Amjad Abdulla, Trưởng đoàn đàm phán Liên minh các Quốc đảo Nhỏ tại COP24, nhấn mạnh: “Nếu không hành động ngay lúc này, chúng ta sẽ không còn đường lùi trước những thảm họa tồi tệ có thể lường trước.”
[Việt Nam ở top 10 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu]
Tháng 10 vừa qua, các chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.
Theo đó, để đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nền nhiệt Trái Đất dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính phải giảm tới một nửa vào năm 2030.
Ba Lan là một trong những quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào than đá, và mong muốn tại vòng đàm phán tới đây sẽ có cơ hội để nêu rõ vai trò của nguồn năng lượng hóa thạch đối với nền kinh tế của mình.
Warsaw đã ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia “nhận thức rõ thách thức mà các ngành nghề, các thành phố và khu vực phải đối mặt trong việc chuyển đổi khỏi nguồn năng lượng hóa thạch… cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo tương lai cho các lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi này.”
Mohamed Adow, người đứng đầu nhóm quyên góp Christian Aid, cho rằng các quốc gia giàu có hơn cần phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong công cuộc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái sinh.
Ông nhấn mạnh: “Sự chậm trễ của các nước giàu có hơn sẽ chỉ khiến các nước đang phát triển bị mắc kẹt và càng khiến môi trường thêm ô nhiễm, hủy hoại các nỗ lực hạn chế sự ấm lên trên toàn cầu.”
Nhiều người cho rằng đã đến lúc một số quốc gia phải nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, chủ nhà COP23, cho rằng ý kiến của Ba Lan cần phải dẫn đến “một sự chuyển đổi công bằng đối với tất cả, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đối khí hậu.”
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Espinosa cho rằng việc nói đến lựa chọn giữa khí hậu hay việc làm là một quan điểm sai lầm. Bà nhấn mạnh: “Các xã hội cần làm quen, cần hiểu rõ, bằng không chúng ta sẽ vướng vào những rắc rối nghiêm trọng. Hiện nay, sự sống còn của loài người và của hành tinh này đang bị đe dọa.”
Ba Lan đã đối diện với nhiều chỉ trích sau khi công bố 3 doanh nghiệp than đá nhà nước là đơn vị tài trợ các cuộc đàm phán kéo dài 2 tuần của COP24.
Patti Lynn, Giám đốc điều hành của tổ chức vận động xã hội của Corporate Accountability, kêu gọi các quốc gia đồng thuận với mục tiêu hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo những gì đã được nhắc đến trong Hiệp định Paris.
Bà nói: “Chúng ta cần những giải pháp nghiêm túc từ các nhà lãnh đạo nghiêm túc, chứ không phải những toan tính nguy hiểm hay mưu mẹo chính trị để bao che và cho phép những đối tượng gây ô nhiễm càng hoành hành hơn nữa”./.