Trong phiên giao dịch ngày 18/12, giá dầu thế giới giảm hơn 5% do thị trường quan ngại về tình trạng dư cung và nhu cầu suy yếu hiện đang đè nặng lên thị trường.
Sự sụt giảm này là do hoạt động bán tháo trong thời gian qua, đã khiến giá dầu mất hơn 30% kể từ mức cao xác lập hồi tháng 10.
Kết thúc phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 3,64 USD (7,3 %) xuống 46,24 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017. Thậm chí sau khi chốt phiên, giá mặt hàng này trượt dốc khoảng 8% xuống 45,91 USD/thùng.
Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc lùi 3,35 USD (5,62%) xuống 56,26 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent có lúc rơi xuống 56,16 USD/thùng, mức thấp nhất 14 tháng qua.
[Giới chuyên gia nhận định giá dầu khó tăng trong ngắn hạn]
Sự sụt giảm của hai mặt hàng dầu kể trên diễn ra sau khi Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này bất ngờ tăng thêm 3,5 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 14/12), lên 441,3 triệu thùng/ngày, trái với dự báo giảm 2,4 triệu thùng của giới phân tích, ghi dấu tuần tăng đầu tiên trong ba tuần qua.
Trong khi đó, lòng tin của giới đầu tư đang sa sút dần khi ngày càng nhiều các nhà quản lý quỹ đầu tư nhận định rằng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong 12 tháng tới, triển vọng ảm đạm nhất trong một thập kỷ qua.
Thêm một yếu tố tạo áp lực giảm cho giá dầu trong phiên này là việc mỏ dầu lớn nhất của nước Anh đã nối lại hoạt động sản xuất, khiến nguồn cung dầu trên toàn cầu càng đầy lên.
Chính quyền Mỹ cho biết sản lượng dầu đá phiến của nước này sẽ chạm ngưỡng 8 triệu thùng/ngày trong năm nay và dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng trong tuần này.
Những thông tin trên làm dấy lên nỗi quan ngại về khả năng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu, bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước bên ngoài tổ chức này vừa đạt được hồi đầu tháng./.