Nhà đầu tư Trung Quốc mua vườn nho ở Bordeaux tăng nhanh

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã sánh ngang Pháp trong việc mua những vườn trồng nho ở Bordeaux. Điều này cho thấy uy tín của vùng trồng nho này, cùng với đó là nhu cầu rượu vang rất lớn của Trung Quốc.
Nhà đầu tư Trung Quốc mua vườn nho ở Bordeaux tăng nhanh ảnh 1(Nguồn: AFP)

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã sánh ngang với người Pháp trong việc mua những vườn trồng nho ở Bordeaux. Điều này cho thấy uy tín toàn cầu của vùng trồng nho này, cùng với đó là nhu cầu rượu vang rất lớn của Trung Quốc.

Có tới hơn 100 vườn trồng nho ở vùng sản xuất rượu vang phía tây nam nước Pháp hiện đang thuộc sở hữu của các tỷ phú người Trung Quốc, với mong muốn đa dạng hóa tài sản của mình.

“Những người mua chủ yếu là người Trung Quốc và người Pháp, mỗi nhóm chiếm khoảng 1/3 thị trường,” Karin Maxwell đến từ Maxwell-Storrie-Baynes, một trong số những công ty bất động sản cao cấp hàng đầu trong khu vực cho biết.

Mặc dù hầu hết các chủ sở hữu người Trung Quốc đều kín tiếng, các tổ chức thuộc ngành công nghiệp sản xuất rượu vang ở Pháp lại công khai chào đón những khoản đầu tư từ Trung Quốc.

“Những khoản mua này củng cố thương hiệu Bordeux và nâng cao nhu cầu của thị trường bất động sản vườn nho, ngay cả khi vẫn còn có vườn nho rao bán,” người đứng đầu hiệp hội người sản xuất rượu vang Bordeaux CIVB Bernard Farges cho biết.

Tính tới nay, người Trung Quốc mới chỉ sở hữu 1,5% trong số 7.000 vườn nho ở vùng Bordeaux. Tuy nhiên, xu hướng mua vườn nho của các nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu từ 6 năm trước, và chỉ trong vòng 3 năm qua, mỗi năm đã có hơn hai chục vườn nho được mua lại.

Qu Naijie là cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách những người mua Trung Quốc. Ông là một nhà công nghiệp với giá trị tài sản ước tính khoảng 800 triệu USD, hiện đang sở hữu gần 30 vườn nho ở Bordeaux.

Trung Quốc là nước tiêu thụ rượu vang đỏ lớn nhất thế giới, và hiện vẫn đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Bordeaux, với doanh số 60 triệu chai vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà sản xuất rượu ở Bordeaux, trong đó có cả những nhà đầu tư Trung Quốc, đã phải đối mặt với một sự sụt giảm mạnh vào năm ngoái, khi tổng doanh số giảm mạnh 17,5%, khối lượng vận chuyển cũng giảm 9%.

Sự xuống dốc này là kết quả của tăng trưởng kinh tế kém bền vững, chiến dịch chống tham nhũng chính thức nhằm vào các dấu hiệu của việc tiêu thụ hàng hóa đắt tiền, và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất rượu vang tại Australia, Nam Phi, Chile và Mỹ - cùng với đó là những người mua sành sỏi từ ngoài nước.

“Người tiêu dùng không còn sẵn sàng mua mà không kiểm tra giá cả nữa, và mạng Internet đóng một vai trò lớn trong sự thay đổi này,” Yiping Cai, người sáng lập La Selection - một công ty xuất khẩu rượu Bordeaux vào Trung Quốc cho biết.

Lợi nhuận giảm khiến cho các chủ sở hữu người Trung Quốc tìm tới các biện pháp tăng hiệu quả sản xuất công nghiệp và nâng cao quy mô vườn nho nhằm giảm chi phí.

Hầu hết những vườn nho được đầu tư đều có quy mô nhỏ, do các gia đình quản lý, không có khả năng sản xuất các loại rượu ‘grand cru,’ mà chỉ sản xuất cho những nhãn hiệu tương đối “vô danh tiểu tốt” nằm ở phân khúc giá rẻ của thị trường.

Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở chỗ những sản phẩm này đều tự hào được chính phủ Pháp gắn nhãn AOC Bordeaux nhằm xác nhận nguồn gốc của rượu được làm ra ở Bordeaux - đó là một danh tiếng có giá trị trong một thị trường đầy rẫy đối thủ cạnh tranh.

Bordeaux là “một thương hiệu hàng đầu thế giới, và vì thế các sản phẩm có liên quan dễ dàng được thị trường chấp nhận hơn,” Yannick Evenou, người quản lý một số vườn nho của nhà đầu tư lớn người Trung Quốc Frank Yu cho biết.

 

Yu và các nhà đầu tư Trung Quốc khác đang đẩy mạnh đầu tư nhằm sáp nhập nhiều vườn nho lại với nhau, mỗi vườn có giá trị vào khoảng từ 5 tới 15 triệu euro. Sau đó, họ sử dụng công nghệ hiện đại thay vì các kỹ thuật truyền thống nhằm xử lý được khối lượng sản phẩm lớn với mục đích xuất khẩu.

Mặc dù những thay đổi này có thể khiến những người ưa thích truyền thống không hài lòng, nhưng người dân địa phương đều cho rằng người nước ngoài luôn mang lại sự đổi mới cho vùng trồng nho này.

 

“Bordeaux được xây dựng qua nhiều thế kỷ bởi các nhà đầu tư nước ngoài: đầu tiên là người Anh, sau đó là người Hà Lan, người Bỉ, người Nhật, và bây giờ là người Trung Quốc,” Laurent Gapenne thuộc tổ chức rượu vang Bordeux liên bang cho biết. “Mọi người đều vui mừng khi người Trung Quốc ngày càng quan tâm tới việc sản xuất rượu vang. Điều này cho thấy rằng Bordeaux vẫn giữ được ưu thế của nó so với các vùng khác.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục