Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương sáng về nghị lực vượt khó

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, nhất là có đóng góp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương sáng về nghị lực vượt khó ảnh 1Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương sáng về nghị lực. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên của Việt Nam viết bằng chân đã qua đời vào ngày 28/9, sau thời gian chống chọi với bệnh suy thận.

Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông qua nhiều thế hệ.

Đến viếng Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, anh Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tâm Phát, cho biết dù mấy chục năm trôi qua nhưng đến nay anh vẫn nhớ như in câu chuyện "Bàn chân kỳ diệu" được học từ năm lớp 4.

"Thế hệ 8X chúng tôi luôn coi thầy là người truyền lửa, thật vinh dự và tự hào khi tôi vừa là thế hệ con cháu vừa cùng quê hương Hải Hậu, Nam Định với thầy," anh Phương chia sẻ.

Biết tin Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký qua đời, anh Hồng Giang (ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) rất xúc động và tiếc thương khi hình ảnh về một người thầy giáo giàu nghị lực luôn truyền cảm hứng cho học sinh, nay đã trở thành ký ức.

Dù đã hơn 20 năm nhưng anh Hồng Giang vẫn nhớ như in hình ảnh cậu bé Ký trong truyện “Bàn chân kỳ diệu” được học năm lớp 4. Đó là câu bé Ký bị liệt hai tay từ nhỏ, luôn mong muốn được đến trường như bao bạn bè khác nên quyết định đến lớp xin cô giáo cho vào học…nhưng bị từ chối. Sau đó, cô giáo rất ngạc nhiên và cảm động khi thấy Ký tập viết bằng chân ở sân nhà nên đã nhận Ký vào lớp học. Cùng với sự luyện tập kiên trì và hỗ trợ của cô giáo, bạn bè, Ký đã theo kịp các bạn trong lớp, chữ viết ngày một đều hơn, đẹp hơn. Ký còn được thưởng 2 Huy hiệu của Bác Hồ.

Sau bài học vào năm lớp 4, năm học lớp 5, anh Hồng Giang còn may mắn được gặp nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký trong một lần ông về Trường Tiểu học nơi anh học để chia sẻ câu chuyện về cuộc đời thầy.

“Ấn tượng nhất với tôi khi đó là tinh thần vượt khó để đến trường của cậu bé Ký trong truyện cũng như thầy giáo Ký ngoài đời thực. Ấn tượng về thầy rất lớn nên sau này lớn hơn, tôi đã tìm đọc để hiểu thêm về thầy. Ông thực sự là một người tràn đầy nghị lực, truyền cho tôi nguồn năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Từ ông, bản thân tôi cũng nhận ra rằng mỗi người phải biết đối diện với thực tế, không né tránh, dù khó khăn cũng không bỏ cuộc, bởi cuộc sống này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp," anh Hồng Giang chia sẻ.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương sáng về nghị lực vượt khó ảnh 2Giao lưu giữa nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký với học sinh Thành phố Hồ Chí Minh về tinh thần, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống tại chương trình “Thắp sáng ước mơ” con cán bộ, chiến sỹ Công an (6/9/2014). (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Từng có dịp làm việc với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, cô Huỳnh Thị Hồng Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kết Đoàn (quận 1), cho biết ông là người thầy nghiêm túc trong công việc và cũng rất gần gũi khi trò chuyện. Lần đó trường mời ông về giao lưu, chia sẻ với học sinh, suốt câu chuyện ông kể về cuộc đời mình, học sinh đều chăm chú lắng nghe, nhiều em xúc động bật khóc. Câu chuyện về cuộc đời ông đã chạm đến trái tim học sinh. Dù còn nhỏ chắc rằng nhiều năm về sau các em nhớ mãi về người thầy, với nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh trở thành người có ích. Các em cùng soi vào tấm gương ấy để nỗ lực vươn lên.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký có thời gian công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp từ năm 1994 đến khi về hưu năm 2005, với nhiều đóng góp cho công tác giáo dục của quận.

[Nhà giáo viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời ở tuổi 75]

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Nội vụ, Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, cho biết khi ông về công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp (năm 2016 đến tháng 6/2022), thầy Nguyễn Ngọc Ký đã về hưu từ hơn chục năm. Dù chưa được trực tiếp làm việc nhưng hằng năm vào dịp 20/11, lãnh đạo ngành đều đến thăm và trò chuyện với thầy. Khi còn công tác, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký là người rất tâm huyết với ngành giáo dục và đào tạo quận nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố nói chung.

Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, nhất là có đóng góp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh. Không chỉ qua những bài giảng trên lớp, các bài thơ, văn, cuốn sách của ông đã góp phần giáo dục đạo đức học sinh, động viên thầy cô giáo trong ngành nỗ lực vượt khó vì sự nghiệp chung. Cuộc đời của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, là người thầy mẫu mực của bao thế hệ học trò.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương sáng về nghị lực vượt khó ảnh 3Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và tặng hoa chúc mừng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhân dịp kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, 19/11/2013). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp), con gái Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, chia sẻ ông là người cha mẫu mực và cũng là người đồng hành cùng con trong mỗi bước đi của cuộc đời. Từ khi còn nhỏ, dạy con, ông không bao giờ la mắng, luôn đưa ra câu chuyện để con hiểu được những điều sâu sắc mà học hỏi. Trở thành nhà giáo, cô cũng luôn lấy những bài học của cha để giáo dục học sinh, nhất là về lòng biết ơn như những câu thơ mà cha đã viết “Mỗi lần bưng chén cơm, Nhớ ơn người trồng lúa..."

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông bị bệnh và bị liệt cả hai tay từ nhỏ nhưng với nghị lực phi thường, ông đã vượt lên số phận, nỗ lực rèn luyện và trở thành một nhà giáo.

Trong sự nghiệp của mình, ông có hai lần vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý. Năm 1992, ông được vinh dự nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú. Năm 1994, khi chuyển từ Nam Định vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, ngoài công việc chuyên môn, ông có nhiều buổi nói chuyện với học sinh, là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó cho thế hệ trẻ.

Cuộc đời và quá trình luyện viết của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được nhiều thế hệ học sinh cả nước biết đến là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên qua bài học trong sách giáo khoa từ Em Ký đi học (sách tập đọc lớp 3 từ năm 1964-1983), Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4 từ năm 1983-2000), Bàn chân kỳ diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ năm 2000 đến nay). Ông có nhiều buổi trò chuyện truyền cảm hứng với học sinh trên khắp cả nước. Ông cũng có nhiều tác phẩm nổi tiếng được bạn đọc biết đến như “Tôi đi học," “Tôi học đại học," “Tâm huyết trao đời”…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục