Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chủ động nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet (OTT).
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong Chỉ thị số 75/CT-BTTTT về tăng cường quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông quốc tế, do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ký ban hành ngày 31/10.
Theo Chỉ thị, các doanh nghiệp viễn thông cần xem xét, đề xuất với Cục Viễn thông giá cước dịch vụ truy nhập Internet trên di động và các gói cước áp dụng với dịch vụ OTT nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, đảm bảo quyền lợi của các bên (người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp viễn thông, và OTT).
Về phía cơ quan quản lý, Bộ yêu cầu Cục Viễn thông nghiên cứu tình hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là OTT để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ viễn thông trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp.
Thực tế, người dùng tại Việt Nam đang sử dụng rất nhiều dịch vụ OTT như Viber, Kakao Talk, Line, Zalo… trong hoạt động hàng ngày. Đặc biệt, các dịch vụ này còn tỏ ra rất hữu dụng với người khi gọi từ quốc tế về Việt Nam miễn phí đối với trường hợp sử dụng wifi và rất rẻ nếu dùng 3G.
Cho dù đôi khi chất lượng thoại của OTT không thật sự rõ ràng, song nhờ sự miễn phí mà “sức nóng” của nó khiến các nhà mạng liên tục kêu “khổ.” Trong một số cuộc hội thảo, các doanh nghiệp viễn thông đều than họ thất thu hàng nghìn tỷ đồng/năm như MobiFone, Viettel do OTT. Phía VNPT cũng cho biết OTT làm giảm 9-10% doanh thu của tập đoàn này.
Cũng bởi vậy, đợt tăng cước 3G vừa qua-cho dù lãnh đạo các nhà mạng đều nói không chịu sức ép từ OTT và “đây là câu chuyện khác,” song dư luận cho rằng việc “liên quan” này là khó tránh khỏi./.