Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão Kalmaegi, các doanh nghiệp viễn thông đã khẩn trương triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm đảm bảo thông tin an toàn, liên lạc thông suốt tại các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 này.
Đại diện của VinaPhone cho hay, ngay khi có thông tin về cơn bão, nhà mạng này đã huy động toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tại trung tâm khu vực miền Bắc và các tỉnh có bão chuẩn bị ứng trực suốt ngày đêm.
Bên cạnh đó, VinaPhone cũng rà soát, kiểm tra, tăng cường độ cao an toàn cho hơn 1.200 trạm phát sóng 2G và 3G tại 2 tỉnh tâm bão là Hải Phòng và Quảng Ninh; bổ sung 2 xe phát sóng lưu động túc trực sẵn sàng ứng cứu thông tin. Mặt khác, VinaPhone cũng đã chuẩn bị vật tư dự phòng đảm bảo ứng cứu thay thế hoàn toàn cho 5 trạm phát sóng.
Đề phòng mất điện trên diện rộng, VinaPhone cũng điều động thêm 20 máy nổ để ứng cứu cho Hải Phòng và Quảng Ninh. Đặc biệt, hơn 300 trạm phát sóng ở các vị trí quan trọng ưu tiên đảm bảo liên lạc trong bão được tiếp xăng, dầu dự phòng, gia cố cột trụ, phòng chống úng ngập triệt để.
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật khu vực miền Bắc của VinaPhone khẳng định, đơn vị này sẽ “hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại do cơn bão Kalmaegi gây ra, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, hỗ trợ cho công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và phòng chống bão lũ tại các địa phương nơi cơn bão đi qua cũng như khắc phục hậu quả sau bão.”
Về phía Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, ngày 15/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thuộc Viettel đã ký công điện khẩn số 2927/CĐ-VTQĐ-PCTT yêu cầu các Công ty thành viên, Chi nhánh Viettel và các Trung tâm điều hành kỹ thuật khu vực 1, 2, 3 khẩn trương hoàn thành các phương án phòng chống bão lũ.
Viettel đã bố trí trên 4.000 cán bộ công nhân viên ứng trực tại đơn vị trong các ngày bão. Bố trí 39 đội ứng cứu thông tin cơ động hỗ trợ trực tiếp các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, bổ sung dự phòng 72km cáp trục, 300 km cáp thuê bao.
Ngoài ra, 100% vị trí trạm thu phát sóng được bố trí ắc quy, máy phát điện đảm bảo không gián đoạn thông tin trong bão. Viettel cũng phân bổ 55 xuồng máy tải trọng từ 650-900kg tại các vị trí ven biên, có nguy cơ ngập lụt sẵn sàng thực hiện nghiệp vụ ứng cứu thông tin trong điều kiện bão lũ, địa hình bị chia cắt do ngập lụt. Công tác chuẩn bị “đón bão” đã được Viettel hoàn tất vào 12 giờ trưa 16/9.
Tới chiều 16/9, Viettel Telecom cũng gửi tin nhắn cho 5 triệu khách hàng ở các tỉnh dự kiến cơn bão sẽ đổ bộ là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định để cảnh báo về cường độ và đường đi của cơn bão giúp khách hàng kịp thời phòng tránh, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản. Trong trường hợp bão vẫn diễn biến theo hướng phức tạp, Viettel tiếp tục nhắn tin thông báo diễn biến cơn bão.
Ngoài hoạt động cảnh báo bão qua tin nhắn, Viettel cũng huy động toàn bộ nguồn lực để đảm bảo duy trì dịch vụ ổn định nhất cho khách hàng; kịp thời khắc phục, xử lý các trường hợp lỗi, sự cố.
Cũng giống như VinaPhone và Viettel, MobiFone cũng cấp tập triển khai hàng loạt những biện pháp để đối phó với cơn bão số 3. Nhà mạng này đã lên phương án trực bão lụt với 300 nhân sự, sẵn sàng ứng cứu thông tin, điều hành mạng lưới không kể ngày đêm.
Bên cạnh đó, MobiFone cũng thực hiện rà soát, kiểm tra cơ sở hạ tầng, độ cao các trạm thu phát sóng; chuẩn bị máy nổ, xăng dầu, hạn chế tối đa mất liên lạc do mất điện lưới với hơn 3.000 máy phát điện.
Ngoài ra, MobiFone cũng đã gia cố chắc chắn cho hơn 200 cột thu phát sóng ven biển tại 4 tỉnh dự kiến bão đi qua, kiểm tra, củng cố hệ thống dây co, tiếp đất, chống sét và cửa kính các trạm phát sóng./.