Nhà mạng tăng kết nối, đảm bảo nhu cầu học và làm việc trực tuyến

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kết nối nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
Nhà mạng tăng kết nối, đảm bảo nhu cầu học và làm việc trực tuyến ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Ảnh: VinaPhone)

Từ ngày 6/9 đến nay, nhiều địa phương đã tổ chức học trực tuyến cho hàng chục triệu học sinh, dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet cố định của các gia đình tăng đáng kể.

Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã thực hiện giải pháp tăng cường kết nối nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ việc dạy và học trực tuyến.

Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT và Tổng công ty Viễn thông Viettel ghi nhận trên hệ thống tại thời điểm khai giảng 5/9 và ngày đầu tiên của năm học 6/9, lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom... tăng mạnh so với ngày thường.

[Thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số trong giáo dục thời COVID-19]

Song các nhà mạng đều cho biết lưu lượng tăng trong điều kiện tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) đang gặp sự cố nên đã có ảnh hưởng một phần đến kết nối của khách hàng, nhất là truy cập đến các trang web quốc tế.

Do vậy, để khắc phục tình trạng mạng chập chờn, VNPT đã ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng nhằm bảo đảm cho dịch vụ học tập trực tuyến, họp, hội thảo online.

"Đến chiều ngày 6/9, lưu lượng trên mạng lưới của VNPT đã bảo đảm lưu thoát, ổn định phục vụ khách hàng," đại diện VNPT cho biết.

Phía Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối, bảo đảm lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom ...).

Từ thời điểm sáng 7/9, hiện tượng chập chờn khi truy cập vào các ứng dụng học tập đã được khắc phục tối đa.

"Chúng tôi đã tối ưu mạng lưới, bổ sung băng thông cần thiết, bố trí lực lượng ứng trực kỹ thuật 24/24 để kịp thời hỗ trợ đến từng doanh nghiệp, khách hàng khi gặp sự cố trong quá trình sử dụng," đại diện Viettel cam kết.

Đại diện Viettel thông tin thêm, lượng khách hàng đăng ký mới, nâng cấp các gói cước internet cố định băng rộng từ đầu năm học có tăng nhẹ.

Nhà mạng tăng kết nối, đảm bảo nhu cầu học và làm việc trực tuyến ảnh 2Viettel sử dụng bộ sản phẩm HomeWifi tăng kết nối phục vụ học, làm việc online. (Ảnh: Viettel)

Các gia đình phổ biến lựa chọn lên các gói cước có dung lượng khoảng 80MB. Với băng thông này, Viettel hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng Internet của các gia đình, gồm việc học trực tuyến, giải trí và làm việc online. 

Về phía MobiFone, đại diện nhà mạng này cho hay MobiFone hỗ trợ tất cả trường học, cơ sở đào tạo sử dụng tính năng mSchool (dành cho thiết bị di động) của nền tảng giáo dục trực tuyến - mobiEdu để dạy và học trực tuyến không giới hạn thời gian.

Trước đó, từ ngày 5/8, phục vụ nhu cầu học tập, giải trí trực tuyến, MobiFone mời khách hàng dùng thử miễn phí dịch vụ mobiEdu với các trường học trên cả nước.

Đại diện FPT Telecom cũng chia sẻ, từ đầu năm 2021 đến nay, nhằm đáp ứng cho nhu cầu học tập và làm việc lớn đã tăng băng thông cho toàn bộ khách hàng trong 2 đợt: Đợt 1 vào đầu mùa dịch tháng 5/2021, FPT Telecom chủ động tăng gấp đôi băng thông. Đợt 2 vào thời gian cao điểm mùa dịch, tháng 8/2021, FPT Telecom tiếp tục nâng băng thông cho toàn bộ người dùng với giá không đổi.

FPT Telecom cũng đặt ưu tiên truy cập đối với các nền tảng học, làm việc trực tuyến thông dụng hiện nay như: Zoom, Google Meet, Webex, On Meeting,…

Bên cạnh đó, khung giờ học tập online của trẻ em hiện tại từ khoảng 7 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần, không phải là khung giờ cao điểm truy cập Internet theo thống kê của FPT Telecom.

Bởi vậy, việc sử dụng Internet FPT trong gia đình vào bối cảnh mùa dịch khi bố mẹ làm việc và con học online cùng lúc luôn được đảm bảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục