Trước làn sóng công kích và ngăn cản Huawei ở một loạt nước phương Tây, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh và bác bỏ những cáo buộc nhằm vào hãng công nghệ khổng lồ này.
Trong cuộc gặp mặt báo chí trong và quốc tế được phát sóng ngày 20/1 trên kênh truyền hình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), người sáng lập 74 tuổi của Huawei cho biết các giải pháp không dây và 5G của hãng này là đẳng cấp thế giới và sẽ giải quyết các vấn đề mà nhiều nước phương Tây phải đối mặt trong sự phát triển 5G, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn thưa thớt.
"Họ thực sự dại dột và sẽ mất tiền nếu họ không mua [sản phẩm của chúng tôi]," ông Nhậm nói với một phóng viên CCTV khi được hỏi quan điểm của ông về lệnh cấm của một số quốc gia với thiết bị mạng của Huawei.
"Chúng tôi có nhiều thứ mà các nước châu Âu và châu Mỹ cần, và họ sẽ phải mua từ chúng tôi," ông Nhậm nói đồng thời cho biết thêm rằng ông tự tin về vị trí cạnh tranh của Huawei trong phát triển mạng không dây và 5G khi so sánh với các hãng khác trên thế giới.
Ông Nhậm, người hiếm khi nói chuyện với truyền thông kể từ khi thành lập Huawei năm 1987, đã bắt đầu một chiến dịch quan hệ công chúng để xây dựng lại hình ảnh của công ty. Ông đã có các cuộc nói chuyện với ít nhất ba nhóm phóng viên ở Thâm Quyến tuần trước, bao gồm một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông quốc tế được chọn, một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông trong nước, cũng như trên sóng truyền hình Trung Quốc qua đài CCTV.
Ông Nhậm thừa nhận rằng ông đã bị nhóm quan hệ công chúng của Huawei ép phải đồng ý với các cuộc phỏng vấn vì công ty đang ở giai đoạn chuyển tiếp của cuộc khủng hoảng hiện tại và phải tập hợp khách hàng cũng như 180.000 nhân viên để giúp họ hiểu rõ hơn về công ty và khả năng giải quyết giai đoạn khó khăn này. Ông Nhậm nói thêm rằng công ty tin rằng ông có thẩm quyền và nên nói chuyện với công chúng.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới song lại đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, với các cáo buộc hãng này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Anh, Đức, Australia, New Zealand và Canada đã cấm hoặc đang xem xét liệu có cho phép cài đặt thiết bị Huawei trong mạng viễn thông của các quốc gia này hay không.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy cho biết đang xem xét liệu có nên gia nhập các quốc gia phương Tây khác để loại trừ Huawei khỏi việc xây dựng một phần cơ sở hạ tầng 5G mới của đất nước Bắc Âu này hay không./.