Liên danh China Natinal Machinery Imp& Exp.Cord (CMC) và China Railway Constructinon Corporation (CRCC) của Trung Quốc vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sử dụng vốn vay Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh.
Với kinh nghiệm năng lực chuyên môn hùng hậu, uy tín, luôn thực hiện các dự án với chất lượng cao, đúng tiến độ, hiệu quả, qua nhiều năm hợp tác với Cục Đường sắt Việt Nam (VRNA), Liên danh CMC/CRCC đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh.
“Liên danh mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để xây dựng cải tạo tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh trong thời gian sớm nhất đồng thời cũng cam kết có thể hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam cả về tài chính lẫn kỹ thuật cho dự án này,” đại diện liên danh nhà thầu trên cho hay.
Trong văn bản ngỏ ý muốn xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh, phía CMC cũng tự giới thiệu đơn vị này đã thực hiện cung cấp đầu máy 1.435mm tốt nhất được trang bị động cơ Caterpillar (Mỹ) cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chạy tuyến Yên Viên-Đồng Đăng với giá rẻ nhất. Mặc dù ban đầu chỉ yêu cầu cung cấp động cơ Trung Quốc nhưng xét thấy Việt Nam không trang bị phụ tùng đầu máy Trung Quốc nên CMC đã quyết định sử dụng động cơ tốt hơn từ Mỹ với cùng đơn giá trong hợp đồng.
Trong khi đó, CRCC là một trong những nhà thầu giàu kinh nghiệm, uy tín trên thế giới khi đã thực hiện các dự án đường sắt Tây Tạng, Libya dài 542km, Mecca Metro dài 18km tại Saudi Arabia, đường cao tốc Vũ Hán-Quảng Châu, đường sắt Thiên Tân, đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải và nhiều dự án khác.
Trước đó, theo đề nghị của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh dài 128,2 km, bao gồm 17 ga đi qua địa bàn Bình Dương, Bình Phước sẽ bắt đầu từ tim ga Dĩ An (Km0-tương ứng với Km1707+010 lý trình đường sắt Thống Nhất), điểm cuối tại điểm nối ray biên giới Việt Nam-Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư).
Các hạng mục chính của dự án bao gồm việc xây dựng 61,4km đường đôi khổ 1.434mm cho đoạn ga Dĩ An-ga Chơn Thành và 66,8 km đường đơn cho đoạn ga Chơn Thành-cuối tuyến. Tốc độ hành trình của đoàn tàu trên tuyến đường sắt này là khoảng 120km/giờ, cao hơn khá nhiều tốc độ của các đoàn tàu Thống Nhất hiện nay.
Dự kiến, dự án vay vốn ODA nước ngoài để đầu tư theo 4 phương án sau: vay 85% tổng mức đầu tư và 15% vốn đối ứng ngân sách, tổng mức đầu tư khoảng 20.684 tỷ đồng; vay 70% ODA và 30% còn lại vay tín dụng ưu đãi người mua với mức đầu tư là 20.836 tỷ đồng; vay 50% ODA và 50% còn lại vay tín dụng bên mua, tổng mức đầu tư là 20.938 tỷ đồng; sử dụng 100% vốn nhà nước sẽ có tổng mức đầu tư là 19.039 tỷ đồng./.