Nhà Việt Nam tại Italy "không nhếch nhác và làm nhục quốc thể"

Theo Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Italy, gian hàng Nhà Việt Nam tại Italy tuy chưa nổi bật nhưng "không nhếch nhác và làm nhục quốc thể".
Nhà Việt Nam tại Italy "không nhếch nhác và làm nhục quốc thể" ảnh 1Nhà Việt Nam tại Expo Milan 2015 thu hút đông khách tham quan. (Nguồn: Vietnam+)

Nhà báo Trương Anh Ngọc, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Italy, là người đã tới Nhà Việt Nam ở EXPO Milan 2015 từ khi công trình còn chưa hoàn thiện và cũng là phóng viên Việt Nam đầu tiên đưa tin về ngày khai mạc EXPO 2015, cũng như khánh thành nhà Việt Nam tại Triển lãm thế giới này. Trong mấy tháng qua, anh cũng vài lần có mặt tại EXPO trong những chuyến đi khác nhau của mình.

Gần đây, sau khi dư luận xôn xao về một bài viết trên Facebook của một khách Việt Nam đi tham quan Nhà Việt Nam ở EXPO Milan 2015 về cách trưng bày và tổ chức của gian đại diện quốc gia, cho là "nhếch nhác", "nhục quốc thể", VietnamPlus có cuộc trao đổi với phóng viên Trương Anh Ngọc để rộng đường dư luận.

- Anh đánh giá thế nào về công trình nhà Việt Nam ở EXPO và tiêu chí chung của EXPO 2015 là gì?

- Nhà báo Trương Anh Ngọc: Triển lãm thế giới EXPO 2015 có chủ đề "Nuôi dưỡng hành tinh, năng lượng cho cuộc sống", với định hướng về lương thực, thực phẩm, công nghệ xanh phục vụ con người. Rất nhiều quốc gia đi theo hướng này, trưng bày các sản phẩm đặc trưng làm nên nền ẩm thực truyền thống của họ cũng như giới thiệu các công nghệ hoặc định hướng công nghệ lương thực trong tương lai.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào tham gia cũng đi đúng vào chủ đề của triển lãm, mà cũng nhân cơ hội đó để quảng bá hình ảnh cho quốc gia mình bằng các hoạt động văn hóa khác nhau. Có những quốc gia có thế mạnh cả về hình ảnh đất nước lẫn ẩm thực như Ý hay Pháp đều tận dụng cơ hội này để biến không gian của mình thành một dịp quan trọng nhằm PR cho đất nước.

Chi phí cho những không gian đó, chỉ tính riêng việc xây dựng nhà quốc gia cũng như duy trì sự hoạt động của chúng trong vòng 6 tháng của triển lãm tốn hàng chục triệu, cá biệt có nước, như Italy, chi hơn 100 triệu USD (ước tính đến trước khi khai mạc EXPO) cho việc này.

Theo tôi được biết, Việt Nam chỉ chi chừng 2 triệu USD cho việc xây ngôi nhà đại diện và việc này do công ty của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đảm nhiệm. Ngôi nhà được khen là đẹp, vì giữa rừng bêtông xây dựng tại EXPO, có một ngôi nhà làm bằng cấu trúc tre nứa thân thiện với thiên nhiên và môi trường.

Nhà Việt Nam là một trong ba nhà quốc gia được đưa vào clip quảng cáo cho EXPO của hãng truyền hình quốc gia Italy RAI, cũng là một trong số rất ít những nhà quốc gia được Thủ tướng Ý Matteo Renzi khen là "đẹp" trong một chuyến thăm của ông tới EXPO.

Chuyên trang du lịch của hãng truyền hình CNN và mạng của tạp chí du lịch hàng đầu CondeNast Traveller cũng xếp nhà Việt Nam vào 1 trong số 15 nhà có kiến trúc đẹp và độc đáo nhất của EXPO lần này.

- Nhưng đó là nhận xét về kiến trúc của ngôi nhà. Còn bên trong thì sao? Xung quanh việc trưng bày trong Nhà Việt Nam có ý kiến của khách Việt tham quan là nhếch nhác, sơ sài và không sinh động, anh nghĩ sao?

- Nhà báo Trương Anh Ngọc: Vấn đề đặt ra liên quan đến nhà Việt Nam ở EXPO không phải là không đúng như những gì báo chí và một số khách Việt Nam tới đây nhận xét: chưa nhiều đồ (chủ yếu là thổ cẩm), trình bày chưa được bắt mắt lắm nhưng không đến mức là thiếu các bảng thông tin tổng quan về đất nước như các báo đã đưa theo một thông tin trên Facebook.

Tuy nhiên, phải nói rằng, nhà Việt Nam có diện tích tổng cộng chỉ vài trăm mét vuông. Thiết kế nhà Việt Nam đẹp mặt ngoài, nhưng bên trong rất khó cho việc trình bày.

Diện tích mặt bằng dành khá nhiều cho sân khấu ca múa nhạc, nên phần không gian trưng bày quá ít, hình chữ nhật, bị dồn vào bốn góc nhà. Nếu so với nhà đại diện các quốc gia khác có thể thấy là không thuận tiện) cũng gây khó dễ cho việc trưng bày (và bán) các đồ dân tộc. Việc bán đồ lưu niệm, theo tôi, không có gì là xấu cả. Các nước khác cũng bán và bán rất nhiều, rất đắt, thậm chí có những nước rất nhôm nhoam và lộn xộn.

Có những ý kiến nói về vấn đề khu ẩm thực của Nhà Việt Nam. Theo tôi được biết, đơn vị phụ trách bếp của nhà Việt Nam là một doanh nghiệp Việt kiều ở Đức đấu thầu với nhà tổ chức bên phía Việt Nam chứ không phải từ Việt Nam sang.

Tuy nhiên, những ý kiến nói tại sao không thể đưa bún, miến, mì, phở, những thứ đặc trưng khác của ẩm thực ba miền Việt Nam, là hầu như không thể thực hiện được. Yêu cầu về an toàn thực phẩm ở Ý rất cao.

Ban tổ chức EXPO đặt ra những yêu cầu hết sức ngặt nghèo về thực phẩm mang vào, nên nhiều loại gia vị Việt truyền thống không thể mang vào được. Việc tổ chực thành những "chợ ẩm thực" thể hiện các món ăn dân tộc như nhiều người mong muốn không dễ thực hiện. Phở và những thứ cần phải nấu bằng bếp không thể làm được, vì phía Ý không đồng ý, sợ cháy, do kết cấu nhà của ta là tre. Còn cách chế biến món ăn ở đây là để cho hợp khẩu vị Tây, không phải theo cách người Việt vẫn ăn hàng ngày.

Việc phê phán cách trưng bày và bán hàng trong Nhà Việt Nam tôi thấy cũng có lý, vì rõ ràng nó chưa thực sự đẹp, nổi bật và còn ít chủng loại. Nhưng mọi việc không đến mức "nhục quốc thể" có người viết trên Facebook cá nhân và được chia sẻ rất nhiều trong ngày qua. Tôi cho rằng, nhiều người Việt đến đây thất vọng và sợ rằng, những gì họ thấy trong nhà có thể làm xấu mặt quốc gia và làm cho người nước ngoài hiểu không kỹ về chúng ta.

Nhiều người Việt được tôi tìm hiểu nói rằng, nhà quá bé, trưng bày quá xấu, hàng hóa sơ sài và mục đích chủ yếu của nhà Việt Nam là bán đồ mỹ nghệ chứ không phải là quảng bá hình ảnh quốc gia. Họ đưa ra những nhận xét này trên cơ sở so sánh với các nhà quốc gia khác. So sánh là khập khiễng, vì nhà của Việt Nam nhỏ, chi phí thấp và không thể nào so được các nước khác đầu tư rất lớn, theo kiểu chạy đua theo phong trào. Ta cứ liệu cơm mà gắp mắm thôi.

Trên thực tế, khách Ý và nhiều nước khác lại tỏ ra khá thích mô hình nhỏ và không phô trương của nhà Việt Nam. Số lượng người hàng ngày đến tham quan nhà Việt Nam và mua đồ (nhiều trong đó là nón và ăn) rất đông, theo thống kê sơ bộ, có từ 4.000-5.000 lượt người, chủ yếu là nước ngoài.

Họ tỏ ra cởi mở và dễ dãi hơn trong nhận xét. Họ không có những đánh giá khó tính như người Việt. Tuy nhiên, có một số người cũng nói thêm là "nội dung" nhà Việt Nam còn khiêm tốn, chưa phải là một "ngôi sao" ở EXPO như nhiều nhà quốc gia khác ở cùng châu lục, như Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc.

Điểm sáng ấn tượng nhất trong các hoạt động của nhà Việt Nam là các hoạt động văn nghệ dân gian truyền thống, được biểu diễn theo lịch là 3 lần trong một ngày. Hoạt động này thu hút rất đông người xem và được đánh giá cao.

- Tóm lại, cảm nhận chung của anh về Nhà Việt Nam ở EXPO là gì?

- Nhà báo Trương Anh Ngọc: Theo thiển ý của tôi, có thể thấy rằng, trong một không gian nhỏ chừng 500 mét vuông mà sân khấu biểu diễn ca nhạc đã chiếm 2/3, còn lại là cầu thang, thì rất khó có thể tổ chức xuất sắc được. Nhưng tổ chức tốt hơn thì có thể. Để tổ chức được một nhà Việt Nam theo như sự kỳ vọng, diện tích trưng bày và sinh hoạt văn hóa cần phải tăng gấp 3, thậm chí 4 lần như hiện tại.

Ngoài ra, chi phí cũng sẽ phải cao hơn mức hiện tại nhiều lần và cần một sự phối hợp tốt hơn, sáng tạo hơn, có chủ đề cụ thể hơn và trưng bày đẹp hơn. Tôi đã qua nhà Việt Nam ở EXPO nhiều lần và thái độ nhân viên rất thân thiện, rất chịu khó tiếp xúc và hướng dẫn cho khách tham quan.

Trong tháng 10, tại EXPO sẽ diễn ra ngày Việt Nam. Tổ chức các "ngày quốc gia" là một điều rất quan trọng vì Ban tổ chức EXPO coi đó như là một sự kiện đại diện cho các nước tham gia Triển lãm thế giới. Tôi hy vọng chúng ta sẽ làm tốt sự kiện này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục