Trong suốt chặng đường 67 năm qua kể từ ngày thành lập, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phục vụ việc biên soạn, biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành sách giáo khoa (sách giáo khoa), đáp ứng yêu cầu của các cuộc cải cách và đổi mới giáo dục theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo; tổ chức sản xuất cung ứng thiết bị, đồ dùng dạy học.
Nhà xuất bản còn đa dạng hóa các loại sách đáp ứng nhu cầu đông đảo của độc giả, góp phần nâng cao dân trí.
Sản phẩm của nhà xuất bản luôn chiếm được cảm tình, sự yêu mến, tin tưởng của các thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh. Danh tiếng, thương hiệu của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ngày càng được khẳng định, trở thành một trong những nhà xuất bản lớn nhất cả nước, có tầm khu vực và quốc tế.
Nơi nào có ánh lửa, nơi ấy có sách giáo khoa
Nhà Xuất bản Giáo dục được thành lập ngày 01/6/1957 theo Nghị định số 398/NĐ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ban hành.
Ngay trong Nghị định thành lập quan trọng này, Nhà Xuất bản Giáo dục đã được khẳng định "hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia." Đó là niềm tự hào, bởi ngay khi thành lập, Nhà xuất bản Giáo dục đã được khẳng định vị trí, tầm vóc quan trọng có tính quốc gia. Điều đó cũng thể hiện tầm nhìn thấu suốt, có tính dự báo của người đứng đầu ngành Giáo dục - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Và tính dự báo chính xác này được cảm nhận từ cơ sở thực tiễn của chính tổ chức làm công tác xuất bản, tiền thân của Nhà Xuất bản Giáo dục.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo; tổ chức sản xuất cung ứng thiết bị, đồ dùng dạy học.
Để có được một Nhà Xuất bản Giáo dục vào thời điểm năm 1957, trước đó khá lâu, từ năm 1950, trong cơ cấu Bộ Giáo dục đã manh nha một tổ chức làm công tác xuất bản sách giáo khoa. Đó là Ban Tu thư.
Ban Tu thư thực hiện nhiệm vụ thay sách, phục vụ chủ trương xoá mù chữ, thay đổi hệ thống giáo dục cũ thành hệ thống giáo dục mới (hệ 9 năm) vào giai đoạn 1950-1956. Đây cũng chính là cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất. Rồi tiếp đến phục vụ việc cải cách giáo dục lần thứ hai (hệ 10 năm), vào 1956-1957.
Trên hành trình 67 năm qua, bao thế hệ tác giả, cộng tác viên, lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dồn tâm sức, trí tuệ để có những bộ sách giáo khoa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến với mọi vùng miền của Tổ quốc, kể cả những nơi xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở nhất, nơi nào có ánh lửa là nơi ấy có sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chân các chiến sỹ biên phòng đến với các miền biên giới, hải đảo, cùng với ngành giáo dục gieo những con chữ cho nhiều thế hệ học sinh, những người chưa có điều kiện đến trường lớp. Sách giáo khoa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn theo chân các chiến sỹ giải phóng quân, các thầy giáo đi chiến trường, vượt dặm dài Trường Sơn đến các vùng vừa được giải phóng.
Không ít cuốn sách giáo khoa đã vĩnh viễn nằm lại trong hành trang của những Anh Bộ đội Cụ Hồ, trong hành trang của những thầy giáo đi B và đặc biệt hạnh phúc đến tay những thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong vùng giải phóng.
Thật đáng ghi nhận và tự hào với hành trình đầy gian khó, đầy hy sinh của những người làm sách giáo dục suốt chặng đường dài vì một nền giáo dục không ngừng đổi mới để đưa đất nước lên đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng kỳ vọng vào tương lai các thế hệ học sinh Việt Nam.
Từ khi được thành lập, suốt chặng đường 65 năm qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phục vụ việc biên soạn, biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành sách giáo khoa (sách giáo khoa), đáp ứng yêu cầu của các cuộc cải cách và đổi mới giáo dục theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo: lần thứ nhất (1956 - 1957), là chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm; lần thứ hai (1976-1983) thực hiện hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc-Nam; lần thứ ba (2002-2008) thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội; và hiện nay phục vụ đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Khẳng định vị thế hàng đầu trong đổi mới sách giáo khoa
Trong những năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ chính trị về đổi mới sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã quy tụ hàng ngàn nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết, uy tín cùng tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa mới, huy động mọi nguồn lực, tài lực xuất bản thành công những bộ sách giáo khoa mới có chất lượng đảm bảo, được đại đa số cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn quốc lựa chọn sử dụng.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cử nhiều cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, họa sỹ tham quan học tập các chương trình tiên tiến ở nước ngoài; xây dựng và tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới theo một quy trình hết sức khoa học, chặt chẽ từ khâu nghiên cứu chương trình, xây dựng khung năng lực, xây dựng đề cương chi tiết (có đối chiếu theo chiều dọc các khối lớp cùng môn học, đối chiếu, tích hợp theo chiều ngang các môn học cùng một khối lớp), soạn bài mẫu, dạy thực nghiệm, thẩm định nội bộ, thẩm định quốc gia, chỉnh sửa hoàn thiện sau góp ý của các tổ chức, cá nhân theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt, in thử trước khi in chính thức.
Đến nay, Nhà xuất bản đã hoàn thành các bộ sách giáo khoa được đưa vào dạy học có hiệu quả ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Việc triển khai dạy học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được thực hiện từ năm học 2020-2021, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách giáo khoa lớp 1. Các bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được đón nhận với thị phần 70% trên toàn quốc.
Điều đáng ghi nhận nhất, về nội dung, giá trị nhân văn trong các tên sách, các bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đều đảm bảo chất lượng, được xã hội chú ý, quan tâm. Và có thể khẳng định đến nay chỉ duy nhất Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa trọn bộ bằng chính nội lực của mình.
Sự hiện diện 4 bộ sách giáo khoa mới của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”; bộ “Chân trời sáng tạo”; bộ “Cùng học để phát triển năng lực”; bộ “Vì Sự Bình đẳng và Dân chủ trong Giáo dục” trong tổng số 5 bộ sách toàn quốc là niềm tự hào, đồng thời cũng khẳng định thương hiệu và vị thế của một Nhà xuất bản lớn.
Tuy nhiên, trước việc tổ chức nhiều bộ sách giáo khoa dẫn đến hệ thống quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ sách giáo khoa, trong khi việc lựa chọn sách giáo khoa, các địa phương không chọn trọn bộ mà chọn sách theo môn học làm mất tính hệ thống của sách giáo khoa trong từng cơ sở dạy học, lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục đưa ra một quyết định hết sức khó khăn và thật sự phù hợp - quy hoạch, tái cơ cấu 4 bộ sách giáo khoa thành 2 bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam: bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" hợp nhất với bộ "Cùng học để phát triển năng lực"; bộ "Chân trời sáng tạo" hợp nhất với bộ "Vì Sự Bình đẳng và Dân chủ trong Giáo dục".
Nhờ cách làm đó, từ lớp 2 đến lớp 12, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có 2 bộ sách: bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo.”
Đa dạng hóa các loại sản phẩm
Bên cạnh việc làm sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn tập trung tổ chức mảng sách cao đẳng, đại học.
Trong suốt 65 năm, nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam lớn lên, trưởng thành từ hệ giáo trình đại học quý giá của các tác giả tài năng, tận tâm với ngành Giáo dục.
Số lượng sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn chiếm từ 65-70% số lượng sách của toàn ngành Xuất bản Việt Nam.
Cùng với việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa, giáo trình đại học, cao đẳng, hằng năm Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn tổ chức nhiều loại sách khác.
Mảng sách mầm non được biên soạn nhiều loại hình khác nhau, đáp ứng yêu cầu của việc dạy học của và trò, nhu cầu tìm hiểu của cha mẹ học sinh.
Sách mầm non thường được biên soạn thành các bộ sách gồm nhiều cuốn, kết nối với nhau, được thiết kế hài hòa giữa kênh hình, kênh chữ hỗ trợ cho việc đổi mới dạy học trong bậc học mầm non.
Mảng sách dân tộc được xem là mảng khó khai thác và triển khai biên soạn, biên tập - xuất bản nhất. Mảng sách này trước hết phải kể đến các bộ sách dân tộc và sách dạy tiếng Việt cho học sinh thiểu số.
Trong 65 năm hình thành và phát triển, Nhà xuất bản Giáo dục chăm lo mảng sách tiếng dân tộc thiểu số vì sự phát triển giáo dục miền núi, vì sự bình đẳng giữa các dân tộc, vì đại đoàn kết dân tộc. Đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xuất bản nhiều bộ sách học tiếng dân tộc như tiếng Mông, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Bahnar, tiếng Chăm.
Hiện nay, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam mà trực tiếp là Công ty Cổ phần Sách Dân tộc đang tiếp tục lộ trình biên soạn sách học tiếng dân tộc công cụ, đặc biệt là các bộ từ điển tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc và nhiều bộ từ điển song ngữ quý như "Từ điển Việt-Mông", "Từ điển Việt-Tày-Nùng", "từ điển Việt-Bahnar", "Từ điển Việt-Chăm", "Từ điển Việt-Khmer"...
Trong số đó, cuốn "Từ điển Việt-Khmer" được giải Bạc mục sách hay Giải thưởng Sách Việt Nam, "Từ điển Việt-Chăm" đạt giải Đồng mục sách hay Giải thưởng Sách Việt Nam.
Những bộ sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, sách tham khảo song ngữ là công cụ quý giá để các thế hệ học sinh dân tộc học giỏi hơn tiếng phổ thông, nắm vững tri thức để phát triển nhân cách, trí tuệ, phấn đấu trở thành người công dân có ích để trở về phục vụ quê hương, đất nước.
Đồng thời đây còn là những phương tiện, cẩm nang để lưu giữ và phát triển bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt góp phần vào sự nghiệp giáo dục và phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáp ứng mục tiêu giáo dục và nhu cầu văn hóa đọc ngày càng cao của độc giả, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chú trọng đầu tư xuất bản mảng sách chất lượng cao, có ý nghĩa chính trị, văn hoá giáo dục sâu sắc.
Đó là những cuốn sách nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục; những chuyên luận, chuyên khảo ở các lĩnh vực khoa học, văn hóa-xã hội khác nhau; những tư liệu có giá trị lịch sử như những bộ thư tịch hay những pho sử cổ hoặc những bộ từ điển tiếng Việt quý, những bộ từ điển đối dịch tiếng Việt và tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt và tiếng các dân tộc anh em,...
Tác giả mảng sách này là những nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín ở các thế hệ khác nhau, trong đó có nhiều tác giả là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhà khoa học vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng sách Việt Nam, Giải thưởng sách Quốc gia.
Mảng sách chất lượng cao đã tạo cho Nhà xuất bản nguồn sách quý, dự thi các Giải thưởng sách Việt Nam đạt giải Vàng, giải Bạc sách hay như bộ "Đại Nam thực lục", "Tiêng Việt - sơ thảo ngữ pháp chức năng", "Từ điển chữ Nôm", "Việt Nam đất nước con người", "Tinh hoa văn hoá Phương Đông", "Bác Hồ với Giáo dục", "Từ điển bách khoa Britannica" , "Từ điển Việt-Lào", "Từ điển Lào-Việt”...là những bộ sách chất lượng cao không chỉ đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, mà còn khẳng định thương hiệu, uy tín ngày càng cao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Có những bộ sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khi được xuất bản đã trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa đất nước. Đó là trường hợp sự ra đời của bộ sách "La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn" (3 tập) được bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 1999.
Vì thế, trong hoàn cảnh kinh phí eo hẹp, tập trung mọi nguồn lực cho việc làm sách giáo khoa, nhưng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn chú trọng biên soạn, xuất bản mảng sách chất lượng cao, để luôn nâng tầm cao trí tuệ, tình cảm của bạn đọc, giữ gìn và phát huy uy tín, thương hiệu của một Nhà xuất bản có tầm quốc gia và quốc tế.
Trong tiến trình phát triển của mình, từ giai đoạn đầu, nhà xuất bản chỉ đơn thuần làm sách giáo khoa, giáo trình cao đẳng, đại học và các loại sách tham khảo,... nhưng dần dần triển khai sản xuất các học liệu giáo dục, thiết bị giáo dục.
Từ năm 1996, các Trung tâm Nghe-Nhìn giáo dục (nay là Công ty Học liệu), Bản đồ giáo khoa (sau này là Công ty Bản đồ và Tranh ảnh giáo dục) lần lượt chuyển về Nhà Xuất bản Giáo dục.
Cũng từ đây, nhà xuất bản có thêm dòng sản phẩm mới - học liệu giáo dục. Bản đồ là ấn phẩm quan trọng và nhạy cảm được sử dụng trong sách giáo khoa, được dùng để dạy học trên lớp, luôn được Nhà Xuất bản chú ý biên tập, thẩm định kĩ lưỡng để khẳng định chủ quyền của đất nước và chính xác nội dung dạy học gắn liền với các học liệu này.
Bên cạnh bản đồ giáo khoa treo tường, bản đồ trong sách giáo khoa, chúng ta có những ấn phẩm quý về bản đồ như Tập bản đồ thế giới và châu lục, Atlat địa lý Việt Nam, Tập bản đồ Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở, Tập bản đồ Địa lý cấp trung học phổ thông, Tập bản đồ Lịch sử và tư liệu Lịch sử cấp trung học phổ thông,... Trong số đó có những tập bản đồ đoạt giải Vàng sách hay của Giải thưởng sách Việt Nam.
Hiện nay, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang chú trọng mảng sách giáo khoa điện tử và các học liệu giáo dục, phục vụ cho việc dạy học các bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Công tác phát hành sách giáo dục là một khâu quan trọng, vì nó vừa là mục đích, vừa là kết quả của việc phục vụ ngành Giáo dục và việc sản xuất kinh doanh có hiệu quả của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Với nhiều biện pháp hữu hiệu, số lượng sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn chiếm từ 65-70% số lượng sách của toàn ngành Xuất bản Việt Nam.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Đối với các tổ chức quốc tế, nhà xuất bản nước ngoài, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có mối quan hệ quốc tế đặc sắc mang bản sắc riêng.
Trong quan hệ với các nước anh em - ba nước Đông Dương, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện phương châm đoàn kết, hữu nghị, chia sẻ khó khăn giúp đỡ nhau. Nhà Xuất bản Giáo dục từ những năm 1979 đã thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia mới hồi sinh in sách giáo khoa, cử chuyên gia sang giúp bạn trong việc xây dựng Nhà xuất bản, tổ chức biên soạn, in ấn sách giáo khoa, sách hướng dẫn dạy học trong nhà trường (theo Quyết định 176/QĐ ngày 16/01/1979 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục).
Hình ảnh của các chuyên gia Việt Nam với những kinh nghiệm quý giá của họ, luôn khắc sâu trong nỗi nhớ và tâm trí của các thế hệ cán bộ Nhà Xuất bản Giáo dục Campuchia. Ngày nay các bạn Campuchia đã có những bộ sách giáo khoa tốt hơn, đẹp hơn nhưng bộ sách giáo khoa hơn 40 năm trước vẫn là kỷ vật của tình hữu nghị giữa hai dân tộc nói chung, giữa hai Bộ Giáo dục, hai Nhà xuất bản Giáo dục nói riêng.
Cách đây 25 năm, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã sang trao đổi, ký kết những điều khoản hợp tác với Công ty In quốc doanh giáo dục Lào (nay thuộc Nhà xuất bản Giáo dục-Thể thao Lào). Với sự giúp đỡ về tư vấn chuyên môn, viện trợ máy móc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty In quốc doanh giáo dục Lào có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Đặc biệt, với đầu mối là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty In quốc doanh giáo dục Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã thực hiện thành công Dự án biên soạn "Từ điển Việt-Lào", "Từ điển Lào-Việt" trở thành bộ sách công cụ trong việc học tiếng Việt và tiếng Lào, góp phần vào việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa hai Bộ Giáo dục và hợp tác toàn diện, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.
Bộ từ điển có tính quốc gia này đã trở thành món quà quý giá mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong dịp sang thăm và làm việc tại đất nước Lào tươi đẹp, thắm tình hữu nghị.
Đặc biệt, đối với các tổ chức và Nhà xuất bản nước ngoài, giai đoạn đầu khi mới thành lập và phát triển, Nhà Xuất bản Giáo dục tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, UNICEF, UNESCO và các Nhà xuất bản lớn ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Pháp, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức.
Trong giai đoạn gần đây, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, với tinh thần hội nhập quốc tế, hợp tác theo tinh thần hai bên cùng có lợi, đã đặt mối quan hệ hợp tác với các Nhà xuất bản lớn như Marshall Cavendish (Singapore), Macmillan, Oxford (Vương quốc Anh), Express Publishing (Hy Lạp)...
Trong tương lai, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn mở rộng sự hợp tác toàn diện với các Nhà xuất bản và đối tác lớn ở nước ngoài để vươn ra tầm khu vực và thế giới./.
Nhà xuất bản Giáo dục VN tặng sách cho học sinh Lào Cai bị ảnh hưởng bão Yagi
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa trao tặng hơn 1.500 bộ sách giáo khoa cùng 50 suất quà cho học sinh hai trường học ở Lào Cai bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão Yagi.