Nhạc sĩ Thuận Yến và 3 bài hát hay về Hồ Chủ Tịch

Trên sóng phát thanh, truyền hình và trong lòng mỗi người đều đang vang vọng những giai điệu và lời ca về Người và tình yêu bao la.
Mỗi người sáng tạo có cơ duyên nhất định với một đề tài hay một nguồn cảm hứng nhất định. Có lời bài ca: "Bao nhiêu năm qua những bài ca hay nhất của Việt Nam là những bài ca về Người."

Và chúng tôi muốn nhắc đến ba trong số các bài ca hay nhất ấy gắn với tên tuổi một nhạc sỹ viết về Bác nhiều và thành công đặc biệt. Ông là nhạc sỹ Thuận Yến.

Ca khúc khái quát hay nhất về Bác

Năm 1979 nhạc sỹ Thuận Yến viết ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la,”lấy cảm hứng từ lần ông được gặp Bác năm 1966 và những suy nghĩ về tìnhcảm, tình thương và tình yêu lớn lao của Người dành cho đồng bào và nhândân cả nước.

Bài hát được phát lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam với tiếng hát của ca sĩ Thanh Hoa, ngay lập tức trở thành bài ca xuất sắc về Bác Hồ.

Trả lời phóng viên Vietnam+, NSND Thanh Hoa nói: "Tôi đã hát rất nhiều bài, và may mắn được khán giả yêu mến cho rằng tên tuổi của tôi gắn với một số ca khúc như “Tàu anh qua núi,” “Làng lúa, làng hoa,” “Em chọn lối này,”… Nhưng ca khúc mà tôi rất lấy làm hạnh phúc, tự hào khi được người nghe ghi nhận chính là ca khúc của nhạc sỹ Thuận Yến: “Bác Hồ - một tình yêu bao la.”

Đó là một sáng tác từ lâu luôn làm xúc động cho bao người. Nó không còn là một bài hát đơn thuần mà đã trở thành tiếng lòng. Dù là NSND Thanh Hoa, người được coi là hát ca khúc này hay nhất hay NSƯT Thanh Lam, con gái của tác giả hát với những luyến láy sáng tạo ca khúc thì vẫn là tiếng lòng của muôn người. Là âm hưởng “trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.”

Theo nhà giáo Hoàng Trung Thuấn, người dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ học đường của Hà Nội: "Đó là bài hát hay nhất khiến ai nghe cũng thấy hiện lên hình tượng người lãnh tụ tuyệt vời nhất. Bài hát đã khái quát được "cả cuộc đời Bác hy sinh cho hạnh phúc nhân dân" cùng niềm kính phục của muôn người dành cho Bác. Có lẽ lời bài ca tạo được đồng cảm và liên cảm thiết tha là vì nhạc sĩ Thuận Yến đã kết nối những ấn tượng từ mỗi câu chuyện, câu thơ về Bác và của Hồ Chủ tịch mà ai ai cũng biết.

"Với tư cách là người làm đạo diễn chương trình của thanh niên, học sinh mỗi chương trình về Bác tôi đều muốn dàn dựng ca khúc này. Và mỗi lần thực hiện tôi lại thấy cảm xúc dâng trào, mới mẻ. Và khi biểu diễn, khán giả trẻ-những người dù không được gặp Bác- đã lặng đi khi thưởng thức giai điệu bên hình tượng bông sen," thầy giáo Thuấn chia sẻ.

Câu ca “Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa” làm nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Sữa để em thơ lụa tặng già.” Câu chuyện “Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung Thu gửi cho quà”  là việc Bác vẫn làm lúc sinh thời.

Hẳn bài thơ của Minh Huệ “Đêm nay Bác không ngủ” đã gọi ý về cho câu ca “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng”…

“Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư” đã được tác giả lấy cảm hứng từ cánh chim trong bài thơ “Chiều tối” rút từ tập “Nhật ký trong tù” của Người “như cánh chim không mỏi.”

Xao xuyến trong “Người về thăm quê”

Năm 1989, nhạc sĩ Thuận Yến được mời đến Nghệ An, được thăm quê hương của Bác, lại được nghe kể về chuyến thăm quê duy nhất của Hồ Chủ tịch sau bao năm bôn ba.

Nghe kể về chuyến về thăm quê của Bác ai cũng phải bồi hồi, Người về quê nhưng không đi đường lớn mà đi lại con đường ngày xưa mình đã từng đi. Người chạm tay vào cây khoai lang mọc dại ven đường đang nở hoa như sắc cờ, thăm lại căn nhà bên làng Sen.

Căn nhà lá bé nhỏ, đơn sơ. Tấm liếp chắn cửa được kéo lên, Người cúi đầu bước qua ngưỡng cửa vào nhà, chạm vào nghiên mực của cha, khung cửi dệt vải của mẹ, cánh võng ngày còn thơ Người đã nằm và nghe tiếng hát đò đưa...

Hình ảnh một người con bôn ba mấy chục năm trời trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn với những vật dụng và cuộc sống giản dị, đơn sơ, thanh bạch... lập tức trở thành những hình ảnh ám ảnh nhạc sĩ.

Trong tác phẩm “Người về thăm quê,” Thuận Yến đã viết những ca từ rất thật ân tình: “Đi suốt cuộc đời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha...”

Vang mãi nỗi nhớ Bác Hồ!

Nhạc sỹ Thuận Yến còn viết một ca khúc đi vào tâm tư không chỉ đồng bào miền Trung. Đó là bài “Miền Trung Nhớ Bác” với những ca từ và nét nhạc lắng sâu: "Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc suốt miền Trung” và “Trái tim phương Nam đêm hướng về Miền Bắc/ Ở đó Bác Hồ Người gọi, ơi Miền Nam!”

Trong tất cả những lần tâm sự về những sáng tác về Bác, nhạc sĩ Thuận Yến bao giờ cũng nói: “Bác là nguồn cảm hứng vô tận của tôi.” Thế nên ông đã có hơn hai mươi ca khúc về Người, ông còn viết cả những tổ khúc âm nhạc từ nguồn cảm hứng ấy.

Khi chúng tôi liên hệ với Hội Nhạc sỹ để muốn đến thăm nhạc sỹ Thuận Yến thì được biết ông ốm đã  lâu ngày. Từ mấy năm nay ông bị lãng phai những vùng ký ức. NSƯT Thanh Lam còn chia sẻ rằng nhạc sỹ đã bị quên hầu hết. Ông đã không nhớ được cả tên người thân quen.

Nhớ lại khi còn khỏe, Nhạc sỹ Thuận Yến đã từng chia sẻ cùng phóng viên rằng ông không có nhiều dịp gặp Bác Hồ. Nhạc sỹ viết về Người, chủ yếu là xuất phát từ tình cảm và những câu chuyện kể, những gì mà tôi được xem, nghe, đọc, như: tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, bộ phim "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" của đạo diễn Bùi Đình Hạc...

Cũng theo nhạc sỹ, có thể không kể hết những tác phẩm về Bác đã khắc họa chân dung giản dị và rất đỗi thân thuộc của Người trong lòng ông và tâm trí mọi người. Đó là những nguồn tài liệu quý giá và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho người sáng tác,/”.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục