Theo Trang mạng eurasiantimes.com, sự gần gũi ngày càng tăng của Saudi Arabia với Trung Quốc một lần nữa được đánh dấu bởi một khả năng được thảo luận lâu nay về việc huy động trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ (NDT), vốn đã được đưa vào bản cáo bạch của Saudi Aramco, công ty dầu mỏ và khí đốt quốc gia của Saudi Arabia.
Cũng là một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Aramco đang phải hứng chịu tổn thất nặng nề vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã làm sụt giảm giá dầu trên thị trường toàn cầu.
Theo Nikkei Asia, trong bản cáo bạch công bố tháng 11 này, Aramco tuyên bố rằng đồng NDT “có thể được phát hành” dưới dạng chương trình trái phiếu. Động thái đặt ra nhiều rủi ro liên quan đến đề xuất trên, trong đó gồm những quan ngại về khả năng thanh khoản và tính khả dụng bị hạn chế của đồng NDT bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Mặc dù đồng USD vẫn đang là đồng tiền được sử dụng phổ biến và rộng rãi trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, song đồng bạc xanh này hiện đang bị đồng NDT của Trung Quốc và nhiều đối thủ tiền tệ khác đe dọa.
[Cuộc chiến Mỹ-Trung: Cơ đồ nào cho đồng USD, NDT và yen Nhật?]
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia, và là một trong những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Riyadh lại có quan hệ chiến lược lâu đời với Washington.
Joseph Dana, Tổng biên tập của trang mạng emerge85 - chuyên nghiên cứu sự thay đổi ở các thị trường mới nổi và tác động toàn cầu của nó, nhận định: "Từ rất lâu trước khi Donald Trump lên nắm quyền và khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh đã gây ồn ào về việc thách thức sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền chung của thế giới."
Theo Dana, điều này sẽ hỗ trợ Trung Quốc có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với chính nền kinh tế của họ, đồng thời giúp triển khai các dự án kinh tế dài hạn được xây dựng để nhằm thách thức vị thế siêu cường kinh tế duy nhất trên thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, việc đánh bật đồng USD khỏi thị trường dầu mỏ toàn cầu là điều nói dễ hơn làm.
Mỹ hiện đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Riyadh. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 73% lượng vũ khí mà Saudi Arabia nhập khẩu trong giai đoạn 2015–2019 là từ Mỹ.
Ngoài ra, như tờ EurAsian Times đưa tin trước đó, Saudi Arabia có thể sẽ trở thành nước tiếp theo trong danh sách các nước vùng Vịnh bình thường hóa quan hệ với Israel, sau khi Mỹ đóng vai trò trung gian để Israel ký kết các thỏa thuận hòa bình với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain.
Tổng thống Trump đã không ngừng thúc đẩy các thương vụ vũ khí ngay cả sau khi một số nhà lãnh đạo và giới chỉ trích bày tỏ quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Saudi Arabia, vai trò của Riyadh trong cuộc chiến ở Yemen, và vụ sát hại dã man nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post.
Tuy nhiên, kỷ nguyên của Trump sắp kết thúc khi ông Joe Biden, người được truyền thông đưa tin là tổng thống đắc cử Mỹ, đang chuẩn bị nhậm chức trong hai tháng tới. Ông Biden đã công khai chỉ trích Saudi Arabia và có thể đưa quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đi theo hướng khác.
Phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hồi năm 2019, ông Biden nhấn mạnh: "Qua rồi cái thời khôi phục tâm lý hài hòa, đối chiếu và trung thành với những giá trị trong các mối quan hệ của chúng ta ở Trung Đông. Chúng ta sẽ khẳng định rõ rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ xem xét lại các nguyên tắc của mình khi chỉ đề cập đến việc mua dầu hoặc bán vũ khí.”
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở vùng Vịnh. Hồi tháng 3/2017, nhân dịp thăm Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du 6 nước châu Á, Quốc vương Salman đã ký nhiều thỏa thuận với tổng trị giá 65 tỷ USD với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Saudi Arabia đang coi châu Á là một thị trường béo bở và đang cạnh tranh để gia tăng thị phần ở khu vực này.
Tiếp đó, đến năm 2019, Thái tử Mohammed bin Salman đã thăm Trung Quốc và ký nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận xây dựng một khu liên hợp lọc và hóa dầu ở tỉnh Liêu Ninh. Tuy nhiên, Riyadh đã gác lại dự án trị giá 10 tỷ USD này vào tháng 8 năm nay, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu ảnh hưởng đến giá dầu.
Ông Randolph Bell, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định rằng Trung Quốc chắc chắn đang đóng một vai trò ngày càng lớn hơn ở vùng Vịnh. Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh ngày càng phát triển sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, điều có thể gây trở ngại Trung Quốc thiết lập các mối quan hệ chiến lược ở khu vực này là việc Saudi Arabia là đối địch lâu đời của Iran - quốc gia đang bị Mỹ áp đặt chính sách “gây sức ép tối đa”. Mặt khác, Trung Quốc là một bên ký tham gia Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Bell tiếp tục nhận định: “Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng xét từ góc độ an ninh, Mỹ vẫn quan trọng đối với Iran. Người Saudi Arabia sẽ không hài lòng về việc Trung Quốc tích trữ dầu của Iran trong kho. Một khi số dầu tích trữ này được xuất kho, nó sẽ gây nguy cơ giá dầu sụt giảm hơn nữa."
Vì vậy, hiện vẫn khó đoán định mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Saudi Arabia sẽ diễn biến như thế nào sau khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021./.