Tuần từ ngày 21-25/1, tiếp tục là một tuần giao dịch nhàm chán của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài phiên đầu tuần thị trường có sự hồi phục ngoạn mục, còn lại 4/5 phiên giao dịch, giới đầu tư rất thận trọng trong giải ngân khiến thanh khoản tiếp tục giảm và các chỉ số gần như đi ngang.
Giới phân tích nhận định rằng xu hướng thị trường giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp có thể tiếp tục được duy trì sang tuần sau, do tâm lý nghỉ ngơi của giới đầu trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thực tế, xu hướng thị trường đi ngang với thanh khoản thấp diễn ra rất rõ nét trong tuần giao dịch qua. Kết tuần giao dịch, VN-Index tăng 6,58 điểm lên 908,88; HNX-Index tăng 1,18 điểm lên 102,74 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó và vẫn ở mức thấp với chỉ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
[Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn]
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 9,1% xuống 13.381 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,7% xuống 668 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 11,6% xuống 1.691 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,9% xuống 134 triệu cổ phiếu.
Thị trường còn giữ được sắc xanh nhẹ là do công lớn của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng. Đây là nhóm dẫn dắt thị trường với hết các mã tiêu biểu trong nhóm có mức tăng khá như VCB tăng 1,8%, BID (1,1%), CTG (11%), VPB (4,2%), MBB (7,1%), ACB (2,1%), SHB (1,4%),...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng chủ yếu là do sự tích cực của phiên giao dịch đầu tuần, khi gần như toàn bộ các mã cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là cổ phiếu CTG còn tăng trần.
Diễn biến của những phiên giao dịch sau cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu có sự phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Mức tăng giảm của các mã cổ phiếu ngân hàng cũng không lớn, bên cạnh đó dòng tiền đổ vào nhóm ngân hàng đã giảm mạnh.
Xu hướng giao dịch giằng co, thanh khoản thấp của nhóm có lẽ sẽ còn tiếp diễn đến tuần sau, trong bối cảnh thị trường chung chưa có gì khởi sắc.
Thị trường tuần qua cũng được sự hâu thuẫn của một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn; trong đó, góp công lớn nhất vào mức tăng của chỉ số là VJC khi cổ phiếu này tăng mạnh mẽ với mức tăng 6,3%, VNM (1,5%), PNJ tăng 2,1%, FPT (0,9%), SBT (2,5%), VIC (0,7%),...
Ở chiều ngược lại, thị trường bị sức ép giảm điểm bởi các mã SAB giảm 0,6%, ROS (3,2%), MSN (3,7%), VHM (3,1%),...
Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có sự phân hóa, mức tăng hoặc giảm của các cổ phiếu vốn hóa lớn là nhỏ và thanh khoản thấp. Tuần tới, xu hướng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có lẽ vẫn chưa thể thay đổi.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tăng giá nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, PLX tăng 1,1%, GAS tăng 0,6%, PVD (4,2%), PVC (2,9%), trong khi cổ phiếu PVB giảm (1,9%).
Tuần qua là tuần giảm đầu tiên trong bốn tuần của giá dầu, trước mối lo ngại của giới đầu tư về triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 1,7%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm khoảng 0,2%. Tuy vậy, cổ phiếu dầu khí vẫn giữ được mức tăng nhẹ. Đây được coi là điểm tích cực của nhóm cổ phiếu dầu khí.
Tuy nhiên, những lo ngoại về sự giảm giá của cổ phiếu dầu khí vẫn còn hiện hữu khi mà xu hướng giá dầu giảm có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Các chuyên gia cho rằng thị trường dầu mỏ hiện nay vẫn đang trong tình trạng dư cung, do sự gia tăng sản lượng tại Mỹ.
Theo các chuyên gia, Mỹ có thể giúp bù đắp sự sụt giảm tạm thời sản lượng dầu thô của Venezuela. Trong một đánh giá, ngân hàng Barclays (Anh) hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2019 xuống 70 USD/thùng, so với mức 72 USD/thùng đưa ra trước đó.
Hiện giới đầu tư đang lo ngại về kế hoạch cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đang thực hiện sẽ không hiệu quả như dự kiến khi Moskva tỏ ra không mấy “nhiệt tình” với việc hạ sản lượng.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được nâng đỡ bởi những thông tin tích cực, đơn cử là sự đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ. Thị trường Chứng khoán Mỹ vốn có tác động lớn đến các thị trường chứng khoán toàn cầu; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 183,96 điểm tương đương 0,8% lên 24.737,20 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,1% trong tuần và như vậy có 5 tuần tăng điểm liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 tăng 22,43 điểm, tương đương 0,9% lên 2.664,76 điểm. Tính cả tuần chỉ số này giảm 0,2%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 91,40 điểm tương đương 1,3% lên 7.164,86 điểm và tính cả tuần tăng được 0,1%. Tại các thị trường chứng khoán châu Á, trong phiên giao dịch 25/1 đều tăng trưởng khi giới đầu tư hướng tới các cuộc đàm phán thương mại quan trọng giữa Trung Quốc và Mỹ vào cuối tháng 1 này.
Vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 25/1, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 1% lên 20.773,56 điểm. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,7% lên 27.569,19 điểm, trong lúc chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,4% lên 2.601,72 điểm khi chốt phiên giao dịch.
Thị trường còn được nâng đỡ bởi thông tin của việc khối ngoại tiếp tục mua ròng. Theo đó, khối ngoại trong tuần giao dịch qua tuy vẫn mua ròng trên toàn thị trường, nhưng mức mua ròng đã giảm bớt nhiều, do khối ngoại bán mạnh những cổ phiếu vốn hóa lớn có thị giá cao.
Trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện hai phiên mua ròng và ba phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 14,67 triệu đơn vị, tăng mạnh hơn 139% so với tuần trước. Tổng giá trị là bán ròng 22,24 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 663,05 tỷ đồng.
Tương tự, trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hai phiên mua ròng và ba phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,15 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 49,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,24% về lượng và 93,87% về giá trị so với tuần trước.
Trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng bốn phiên và bán ròng một phiên vào giữa tuần 23/1. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 499.197 đơn vị, trong khi tuần trước bán ròng 1,29 triệu đơn vị; tổng giá trị mua ròng tương ứng 59,64 tỷ đồng, tăng 26,92% so với tuần trước. Như vậy, tuần tới những thông tin hỗ trợ thị trường không phải là quá tích cực có thể giúp thị trường bật tăng, nhưng cũng có tác dụng nâng đỡ thị trường, giúp thị trường không giảm sâu.
Với diễn biến của thị trường tại, cùng những yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới có thể tác động đến thị trường, giới phân tích đến từ các công ty chứng khoán cho rằng, xu hướng tích lũy sẽ là chủ đạo của thị trường trong tuần tới. Theo đó, nhóm phân tích từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường vẫn đang đi dưới đường xu hướng giảm từ tháng 4/2018 đến nay và nếu như VN-Index không có sự bứt phá khỏi ngưỡng 930 điểm thì những nhịp hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật và ngắn hạn.
SHS dự báo trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất (28/1-1/2), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co khó chịu với thanh khoản thấp, kháng cự gần nhất tại 915 điểm (MA10 tuần) và hỗ trợ gần nhất là ngưỡng tâm lý 900 điểm.
Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt nhận định, trong tuần tới, chỉ số VnIndex được dự báo sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi ngang trong biên độ hẹp kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Thanh khoản của thị trường được dự báo tiếp tục được duy trì ở mức trung bình thấp. Tỷ trọng được khuyến nghị duy trì ở mức 25-35% cổ phiếu.
Dưới góc nhìn thận trọng hơn, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) nêu quan điểm, VN-Index đang sideway (thị trường đi ngang) với thanh khoản ở mức thấp, cho thấy sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế.
“Trong trung hạn, xu hướng điều chỉnh vẫn còn, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và cân nhắc giảm dần tỷ trọng danh mục trong trường hợp tín hiệu xấu xuất hiện,” KIS khuyến nghị./.