Các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập Syria phải được tổ chức không muộn hơn ngày 1/1/2016 và một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ phải định hình tại quốc gia này trong vòng 6 tháng.
Đây là kết quả mới nhất mà các bên tham gia đã đạt được sau Hội nghị quốc tế về Syria tại thủ đô Vienna vừa kết thúc hôm 14/11, chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Paris làm khoảng 130 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Điều đáng buồn là dường như vụ khủng bố mới diễn ra tại Paris dường như ít nhiều có giá trị như một "tác nhân bất ngờ" để thúc đẩy các bên tham gia đàm phán tại Vienna cùng nhau nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về những nguy cơ mà khủng bố Hồi giáo cực đoan, mà trực tiếp nhất là lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) mang tới, không chỉ với châu Âu mà là cả thế giới.
Trên thực tế, chỉ trong vòng một năm qua, Pháp đã phải gánh chịu tổn thất ngày càng nặng nề và đối mặt với rất nhiều các âm mưu khủng bố nghiêm trọng.
Nếu như đầu năm 2015, hàng triệu người trên thế giới chia sẻ sự mất mát với nước Pháp qua hình ảnh đại diện "Je suis Charlie" thì giờ đây trên các trang facebook lại ngập tràn biểu ngữ "Je suis Paris" hay màu cờ "Tự do, Bình đẳng, Bác ái."
Sau những đau thương của Thứ Sáu ngày 13, đại diện cho Pháp, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã phải nhấn mạnh tại Hội nghị Vienna về tầm quan trọng trong việc phối hợp toàn diện các hoạt động quốc tế chống khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong cuộc họp báo chung thì cho rằng vụ tấn công khủng bố nhằm vào thường dân vừa qua tại Paris "chỉ củng cố thêm quyết tâm của các cường quốc trong việc giáng trả các tổ chức khủng bố".
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cũng khẳng định rằng các bên đều sẵn sàng tham gia khởi động một tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây dường như đã có dấu hiệu thu hẹp khoảng cách bất đồng với các đại diện của Nga và Iran về vai trò, tương lai của chính phủ do Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham gia trong tiến trình chính trị toàn diện cho Syria trong tương lai.
Những chuyển biến có thể coi là "tích cực" này của Mỹ và phương Tây cũng đã nhận được phản ứng thiện chí từ phía Nga. Ngay tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa khẳng định sự sẵn sàng phối hợp với Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu để chống lại IS cũng như các tổ chức khủng bố khác.
Các biện pháp phối hợp chống lại chủ nghĩa khủng bố chắc chắn cũng sẽ không nằm ngoài chương trình nghị sự của Hội nghị nhóm các nước phát triển G-20 sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 15 và 16/11.
Tuy nhiên, rõ ràng là những người dân châu Âu nói riêng và lương tri nhân loại nói chung không còn đặt nhiều niềm tin vào những tuyên bố hay nghị quyết chống khủng bố trên bàn giấy của các chính trị gia.
Những ngọn nến, bó hoa tưởng niệm trên hè phố hay cả bản nhạc "Imagine" huyền thoại của John Lenon cũng không thể ngăn được máu của người vô tội ngưng đổ trước cái ác.
Đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố không thể thành công nếu còn những toan tính chính trị, cũng không thể phụ thuộc vào may mắn. Hơn lúc nào hết, chỉ có thể khuất phục chủ nghĩa khủng bố cực đoan bằng sự đoàn kết, quyết tâm chính trị và hành động thực chất./.