Nhân lực công nghệ thông tin Việt: Đang thiếu cả lượng và chất

Theo các chuyên gia, số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin-viễn thông (ICT) cần được nâng cao để đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân lực công nghệ thông tin Việt: Đang thiếu cả lượng và chất ảnh 1Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, chất lượng và số lượng nhân lực công nghệ cần phải cải thiện nhanh chóng. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin-viễn thông (ICT) cần được nâng cao để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt ra mục tiêu chuyển đổi số, bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0.

Thách thức từ nguồn nhân lực

Tại Hội thảo Hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam – Australia diễn ra chiều 16/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho hay, hiện Việt Nam có 250 trường đại học và cao đẳng, 164 trường dạy nghề có đào tạo về ICT. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học khoảng 68.000 và dạy nghề là 18.000 học viên.

[Sinh viên ngành khác được chuyển sang học công nghệ thông tin]

Ngoài ra, ở Việt Nam cũng có hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Thế nhưng, ông Tâm thẳng thắn cho rằng, số lượng và chất lượng đào tạo cần được cải thiện để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển.

"Các cơ quan của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo chuyên sâu về ICT để thế hệ lao động mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi trong kỷ nguyên kinh tế số," ông Tâm nói.

Theo dự đoán, Việt Nam sẽ cần 400.000 nhân lực công nghệ thông tin trong giai đoạn từ 2016-2020. Đây sẽ là con số khiến không ít doanh nghiệp đau đầu.

Theo tiến sỹ Nguyễn Vĩnh An, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông), nguồn nhân lực về công nghệ đang thiếu cả lượng và chất.

Dẫn một báo cáo, ông An nói rằng tỷ lệ thiếu kỹ năng cần thiết của lao động Việt Nam khá yếu, năng suất lao động cũng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Singapore.

Tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội) thì cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ đã thiếu lại còn yếu. Ông đưa ra ví dụ như Intel có năm nhận 100 hồ sơ mà chỉ tiếp nhận được 8-10 người.

Đồng tình, bà Đặng Thị Thanh Vân, Tổng Giám đốc Savvycom cũng cho biết, đơn vị này từng phỏng vấn 20 người mà chỉ tuyển dụng 2-3 người và đây là các vị trí thông thường. Trong trường hợp tìm nhân lực cho vị trí cao hơn như dùng công nghệ thông tin phân tích kinh doanh thì khá khó khăn và buộc phải đặt hàng, nhờ các giảng viên tìm sinh viên ưu tú…

Bởi vậy, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp thách thức trong viêc tìm kiếm nguồn nhân lực khi sinh viên có năng lực ra trường thường đi làm cho các công ty lớn trong và ngoài nước.

Nhân lực công nghệ thông tin Việt: Đang thiếu cả lượng và chất ảnh 2Chuyên gia công nghệ thông tin của Bkav. (Ảnh minh họa. Nguồn: Bkav)

Bàn cách giải toán khó

Ông Đào Quang Vinh cho biết, các trường trước đây đào tạo theo phân ngành chuyên sâu và các lĩnh vực khác ít được quan tâm. Thế nhưng, ông đưa ra ví dụ chiếc otô chạy trên đường có tới 40% giá trị là ICT. Vì vậy, một kỹ sư ICT muốn làm việc trong ngành này phải hiểu về tự động hóa, cơ khí. Rồi việc đưa ICT vào y tế, nông nghiệp… đòi hỏi họ phải có thêm những kỹ năng cần thiết.

Ngoài ra, lao động Việt Nam kỹ năng tiếng Anh rất kém. Đấy là chưa kể các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình dự án…

Tiến sỹ Josiah Poom (Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Sysney) chung quan điểm và cho rằng, cần phải đào tạo thêm kỹ năng mềm cho sinh viên như các kỹ năng về xã hội, mở rộng mạng lưới, ngoại ngữ…

Ông cũng ủng hộ chương trình STEM vốn đang phát triển ở Việt Nam bởi đây là các chương trình giúp các em trang bị các kỹ năng tổng hợp cần thiết.

Vụ trưởng Nguyễn Vĩnh An thì khuyến nghị Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho đào tạo ICT, đặt tiêu chí, tầm nhìn về việc phát triển thế nào cũng như hoàn thiện văn bản pháp quy trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, ông An khuyến nghị doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nghề và hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, giảng viên hướng dẫn, nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Trong khi đó, các trường đại học phải thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đơn vị giáo dục nước ngoài có kinh nghiệm để giúp đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…/.

Hội thảo Hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam – Australia do Cơ qan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Ngoài tọa đàm, sự kiện sẽ có phần giao lưu trực tiếp giữa các đối tác hai nước để trao đổi các cơ hội hợp tác và giáo dục thương mại.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục