Như lời một ngoại trưởng Mỹ từng nhận xét, nước Anh hậu chiến tranh đã mất đi đế chế của họ và thất bại trong việc tìm ra vai trò mới cho mình.
Chuyên mục bình luận của tờ Telegraph ngày 25/10 cho rằng nhiều khả năng ông Joe Biden sẽ thắng cử tổng thống tại Mỹ, cộng với việc thời hạn chót cho nước Anh nhất trí tương lai mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) đang đến gần, khiến vấn đề vai trò của nước Anh sẽ ra sao một lần nữa lại trở thành một chủ đề nóng trên chính trường Anh.
Nước Anh sắp rời khỏi thị trường đơn lẻ và liên minh thuế quan EU cũng như khả năng ông Biden trở thành tổng thống Mỹ khiến nhiều thành viên trong Chính phủ Anh lo ngại về sự hờ hững trong quan hệ đồng minh gần gũi đặc biệt vốn có giữa Anh và Mỹ.
Việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, đã dẫn đến nhiều thay đổi và làm gián đoạn chính sách thương mại và chiến lược ngoại giao của Anh. Một thỏa thuận với EU gần như chắc chắn sẽ được hai bên nhất trí.
Brexit là một phần trong quyết định nhằm theo đuổi một chính sách thương mại độc lập, một mô hình riêng, các quy định kinh tế của nước Anh.
Trong khi chính đối ngoại của EU vẫn còn nhiều chỗ chưa tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên, sự vắng mặt của các lãnh đạo Anh tại Hội đồng châu Âu sẽ khiến Pháp và Đức trở thành những nước dẫn dắt chính sách đối ngoại của EU và sẽ khiến Anh phải thúc đẩy tìm kiếm các đồng minh bên ngoài châu lục.
Brexit là một lý do khiến các chính khách Anh lo lắng ông Biden sẽ không có nhiều ưu ái với Anh. Ông Biden tin rằng việc rời khỏi EU là một sai lầm kinh khủng và sẽ hướng đến Pháp, Đức và EU là những đối tác để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu cũng như đối phó với Trung Quốc.
Ông Biden tự hào về nguồn gốc Irish của mình và đã thay mặt Ireland đe dọa Anh khi từng nói rằng sẽ không có thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh nếu Brexit làm nguy hại đến Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành.
Nỗi lo lắng lạnh nhạt ngoại giao không hẳn là bị phóng đại. Những hận thù của Brexit và những chua chát cay đắng của các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ làm lu mờ những nét tương đồng và hình thái chung.
Pháp, nước thường có quan điểm khác nhau về thế giới với Đức, sẽ hợp tác lại với nhau trước những mối đe dọa và cơ hội chung, xây dựng những mối quan hệ song phương và đồng minh trong các thể chế chung như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Những điều tương tự sẽ xảy ra với Mỹ. Quan hệ Anh-Mỹ vốn dĩ gắn bó sâu đậm sẽ giúp vượt qua những khi mối quan hệ không mặn mà xảy ra giữa các thủ tướng và tổng thống.
Điều này dựa trên những điểm chung về ngôn ngữ, văn hóa và thương mại cũng như mối quan hệ giữa hai chính phủ căn bản dựa trên hợp tác giữa các lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo của hai nước. Những hợp tác này sẽ tiếp tục và sẽ vẫn là mối quan hệ liên minh.
Ông Biden muốn thể hiện sự tiếp tục cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Năm tới, nước Anh sẽ chủ trì đăng cai hội nghị thượng đỉnh G7, Anh có kế hoạch phát động nhóm các nước dân chủ D10 chú trọng đến các hành động của Trung Quốc và hội nghị biến đổi khí hậu tới của Liên hợp quốc.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ nhắc nhở nước Anh vẫn là quốc gia có năng lực quân sự và hoạt động tình báo mạnh nhất tại châu Âu. Điều này sẽ khiến nước Anh thấy sự thực của mối quan hệ liên minh Đại Tây Dương. Điều đó không chỉ dựa trên "mối quan hệ rất đặc biệt" giữa hai nước vì có sự giống nhau độc nhất vô nhị trên thế giới mà còn cả sự hội tụ của những mối quan tâm chung.
Chủ nghĩa hiện thực dẫn nước Anh đi đến kết luận chính sách đối ngoại phải dựa trên không chỉ là sự sẵn sàng phục vụ như một đối tác dưới trướng của Mỹ hay như là phần phụ lục trong thông cáo chung của EU.
Nước Anh cần các bộ trưởng giải thích họ sẽ làm thế nào để có thể khôi phục sức mạnh ngoại giao của mình, tiếp tục khả năng quân sự và thúc đẩy tạo ra những liên minh mới.
Kể từ Brexit, nước Anh đã có những bước đi mạnh dạn đáng khích lệ. Anh đã dấy lên được dư luận quốc tế phản đối Nga sau vụ đầu độc điệp viên hai mang người Nga tại Salisbury (Anh) và phản ứng trước việc Trung Quốc trấn áp tại Hong Kong.
Trước việc phương Tây chia rẽ quan điểm về việc xử lý Bắc Kinh ra sao, Anh đã đưa ra đề xuất nhóm D10 (10 nước dân chủ hàng đầu gồm G7, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia) tạo ra diễn đàn tìm kiếm sự đoàn kết nhất trí.
Khi EU không tìm ra được tiếng nói chung để áp lệnh trừng phạt Belarus, Anh đã làm được điều này mà không gây ra ồn ào nào. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lặng lẽ phối hợp hoạt động ngoại giao với Australia và Canada.
Những câu hỏi lớn vẫn còn đối với các bộ trưởng Anh. Đó là thái độ của Chính phủ Anh ra sao đối với việc can thiệp quân sự? Nước Anh đã chuẩn bị gì để đầu tư cho năng lực quân sự của mình. Quyết định trì hoãn đánh giá ngân sách chi tiêu đã khiến việc xem xét lồng chính sách quốc phòng, ngoại giao và an ninh với nhau vẫn đang là câu hỏi ngỏ.
Vấn đề thương mại quốc tế cũng là một câu hỏi. Liệu có phải Chính phủ Anh chỉ tìm kiếm các thỏa thuận tự do hóa thương mại với những nước có chính sách bảo vệ môi trường và thị trường lao động thuộc tốp đầu? Nước Anh có thực sự muốn một thỏa thuận thương mại với Mỹ cho dù có những bất đồng về tiêu chuẩn thực phẩm và phúc lợi xã hội? Liệu nước Anh sẽ tìm kiếm để trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
[Diễn biến dịch nghiêm trọng gia tăng áp lực với Chính phủ Anh]
Với những ủng hộ từ Australia và Nhật Bản, việc tham gia của Anh vào CPTPP có khả năng trở thành hiện thực hơn là đối với thỏa thuận thương mại với Mỹ và điều này được cho là biểu tượng của sự tự tin của Anh về chính sách thương mại mới. Nếu như ông Biden nối lại những chính sách thương mại của cựu Tổng thống Barack Obama, có thể khiến con đường tự do thương mại trở nên tự do hơn và bớt những bất đồng hơn.
Trở thành một nước tham gia có vai trò tại Thái Bình Dương sẽ đặt ra các câu hỏi liên quan đến chính sách của Anh đối với Trung Quốc. Thái độ của Anh đối với những cố gắng muốn lấn lướt những ngành công nghiệp nhạy cảm của Trung Quốc sẽ như thế nào? Cách nước Anh đối lại với những nỗ lực lấn lướt của Trung Quốc tại châu Á và xa hơn nữa là gì? Liệu nước Anh có nên tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn nữa với Ấn Độ hay không? Làm thế nào để Anh cân bằng được sự chính đáng đối với chủ nghĩa hoài nghi Trung Quốc với thực thể về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc?
Cách tiếp cận của Anh đối với những quốc gia thù địch là gì? Bên trong EU hay bên ngoài, dù có Mỹ hay không, không một ai tin rằng Anh có sức mạnh hoặc mong muốn có trách nhiệm đối với những chế độ độc tài hay tạo dựng lại hình ảnh thế giới.
Chính sách đối ngoại của Anh quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hòa bình và sự phồn vinh của nước Anh mà còn với cả tương lai của những người bạn và đồng minh của Anh. Đã đến lúc nước Anh cần phải bước ra thế giới với một sự tự tin./.