Nhân viên kéo dài đình công, Tháp Eiffel đóng cửa ngày thứ hai liên tiếp

Đây là cuộc đình công thứ 2 của nhân viên làm việc tại Tháp Eiffel trong vòng 2 tháng qua nhằm phản đối cách thức quản lý tài chính đối với công trình kiến trúc nổi tiếng này.

Nhân viên làm việc tại tháp Eiffel đình công từ ngày 19/2/ (Ảnh: AFP)
Nhân viên làm việc tại tháp Eiffel đình công từ ngày 19/2/ (Ảnh: AFP)

Tháp Eiffel, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới, tiếp tục đóng cửa trong ngày 20/2, tức ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhân viên kéo dài đình công.

Trong một thông báo, công ty SETE quản lý tháp cho biết sẽ dừng dịch vụ tham quan công trình này trong ngày 20/2.

Công ty khuyến nghị những du khách đã mua vé nên hoãn chuyến đi hoặc kiểm tra thông tin trên trang web của công ty trước khi tới đây.

Trước đó, trong thông báo chung ngày 19/2, các nghiệp đoàn kêu gọi chính quyền thành phố Paris cân nhắc các yêu cầu tài chính mà họ đưa ra để đảm bảo cho hoạt động của công trình biểu tượng này cũng như công ty vận hành.

Đây là cuộc đình công thứ 2 của nhân viên làm việc tại Tháp Eiffel trong vòng 2 tháng qua nhằm phản đối cách thức quản lý tài chính đối với công trình kiến trúc nổi tiếng này.

Công ty SETE bị chỉ trích về mô hình hoạt động mà các nghiệp đoàn cho rằng đánh giá quá cao về lượng khách tham quan trong khi không đánh giá đúng chi phí xây dựng và bảo trì.

Theo trang web của Tháp Eiffel, công trình biểu tượng nổi tiếng nhất của thủ đô Paris thu hút gần 7 triệu lượt khách mỗi năm, với khoảng 3/4 trong đó là người nước ngoài.

Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, lượng du khách giảm mạnh do lệnh đóng cửa và các hạn chế đi lại, tuy nhiên đã phục hồi lên 5,9 triệu lượt trong năm 2022 và 6,3 triệu lượt trong năm 2023.

Lượng du khách tới Paris dự kiến sẽ tăng mạnh mùa Hè này trong bối cảnh thủ đô nước Pháp đăng cai tổ chức Thế vận hội 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.