Nhân viên khu vực nhà nước đình công quy mô lớn tại Anh

Một cuộc đình công quy mô lớn đã diễn ra ở nhiều địa phương của Anh nhằm phản đối chính sách của Chính phủ liên minh về vấn đề tiền lương, lương hưu và cắt giảm chi tiêu công.

Đúng như kế hoạch, ngày 10/7, một cuộc đình công quy mô lớn đã diễn ra ở nhiều địa phương của Anh nhằm phản đối chính sách của Chính phủ liên minh về vấn đề tiền lương, lương hưu và cắt giảm chi tiêu công.

Tham gia cuộc bãi công lần này có hơn 1 triệu người làm trong khu vực nhà nước, gồm giáo viên, lính cứu hỏa, viên chức nhà nước, nhân viên thư viện, công nhân ngành giao thông...

Cuộc đình công này được cho là lớn nhất của nhân viên thuộc khu vực công kể từ năm 1926, khiến cho hàng loạt dịch vụ ở khu vực nhà nước bị gián đoạn. Theo ước tính, hàng nghìn học sinh trên khắp cả nước buộc phải nghỉ học khi có tới 1/8 số trường học đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần.

Nhiều hội đồng địa phương thông báo dịch vụ thu gom rác và đồ tái chế phải tạm hoãn do nhân viên vệ sinh môi trường tham gia đình công, trong khi Thư viện quốc gia Anh cho biết vẫn mở cửa "như thường lệ," nhưng một số khu vực phải đóng cửa.

Nhiều sân bay, trong đó có sân bay lớn nhất Anh là Heathrow, đã cảnh báo hành khách về nguy cơ làm thủ tục chậm do các nhân viên Cục Đường biên Anh (UKBA) cũng tham gia cuộc đình công này.

Trước đó, Thủ tướng David Cameron đã chỉ trích kế hoạch đình công này và kêu gọi người dân không nên nghỉ việc để tham gia đình công. Ông Cameron cũng tuyên bố sẽ sửa luật nhằm hạn chế các cuộc đình công tại nước này, theo đó các nghiệp đoàn chỉ được phép tiến hành một cuộc đình công hợp pháp khi có nhiều hội viên bỏ phiếu tán thành hơn.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Nội các Anh cho biết phần lớn nhân viên làm việc trong lĩnh vực công đã không bỏ phiếu tán thành cuộc đình công ngày hôm nay và có nhiều dấu hiệu cho thấy phần lớn trong số họ vẫn đi làm như thường lệ.

Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đình công này là do Chính phủ liên minh dưới sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ đã quyết định "đóng băng" tiền lương khu vực công ngay khi lên nắm quyền năm 2010, đồng thời đưa ra giới hạn mức tăng lương 1% trong năm 2012. Các nghiệp đoàn cho rằng mức lương như vậy không đủ để đáp ứng các chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ tại Anh.

Hồi tháng Ba vừa qua, Chính phủ Anh cũng đã công bố tăng lương 1% cho những người làm việc trong khu vực nhà nước.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS), mức lương trung bình của nhân viên trong khu vực nhà nước hiện vẫn cao hơn 14,5% so với những người làm trong khu vực tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.