Nhanh chóng xây dựng đề án khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chính sách nhưng chưa thỏa đáng; chưa khuyến khích người dân tham gia phục hồi, phát triển rừng.

Tại hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 6/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm 2020, ngành lâm nghiệp đối mặt với 3 thách thức lớn.

Đó là đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; cháy rừng, tác động của biến đổi khí hậu gây bão lũ khiến trên 141.000ha rừng bị thiệt hại; cạnh tranh thương mại toàn cầu quyết liệt, đặc biệt là những cảnh báo từ thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ như Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành lâm nghiệp vẫn nỗ lực, quyết tâm và kết quả tương đối toàn diện ở mức cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành lâm nghiệp tự hào với tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, nhưng nhìn sâu thì 3 khu vực trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên, rừng ven biển vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, địa hình…

Bên cạnh đó, việc khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chính sách nhưng chưa thỏa đáng; chính sách hỗ trợ còn bất cập nên chưa khuyến khích người dân, kể cả chủ hộ cá nhân hay đơn vị tham gia phục hồi, phát triển rừng.

“Ngành lâm nghiệp cần nhanh chóng rà soát, xây dựng đề án về khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp sớm hoàn thiện đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng phát động. Đồng thời, tổng kết 10 năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; hoàn thiện đề án Thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu, trên cơ sở bảo vệ bền vững môi trường rừng…

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2021, ngành lâm nghiệp bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

[Thủ tướng chỉ thị về chương trình trồng 1 tỷ cây xanh và bảo vệ rừng]

Đặc biệt, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên; thực hiện rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…

Ngành lâm nghiệp cũng nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Ngành lâm nghiệp duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42%, nâng cao chất lượng rừng; giảm tối thiểu 10% về số vụ vi phạm và 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.

Ngành cũng đặt mục tiêu trồng rừng tập trung đạt 230.000ha; khoanh nuôi tái sinh 150.000 ha/năm; trồng 200 triệu cây phân tán và giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD.

Theo ông Phạm Văn Điển, năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng cả nước đạt 42%. Nhưng ngành vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Cả nước đã phát hiện 10.931 vụ vi phạm, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1.513ha, giảm 1.062ha tương ứng với 41%.

Riêng thiệt hại do cháy rừng là 201 vụ, giảm 91 vụ so với 2019 với diện tích thiệt hại là 674ha, giảm 1.323ha so với năm 2019; thiệt hại do phá rừng 3.064 vụ với 839ha.

Nguyên nhân của tình trạng phá rừng là lấy đất trồng rừng của một số người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi; chuyển sang nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình. Từ đó, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng đó, ngành theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Qua đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Nhờ đó, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Giá trị xuất siêu lâm sản đạt 10,5 tỷ USD, tăng gần 18%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục