Nhập cư trái phép bằng đường biển vào Italy tăng gấp 7 lần

Trong ba tháng đầu năm, số người nhập cư trái phép bằng đường biển vào Italy là gần 11.000 người, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập cư trái phép bằng đường biển vào Italy tăng gấp 7 lần ảnh 1Những người nhập cư trái phép bị bắt giữ được đưa lên đảo Lampedusa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Italy, trong ba tháng đầu năm 2014, số người nhập cư trái phép bằng đường biển vào Italy đã lên tới gần 11.000 người, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nội vụ Italy, trong những tháng tới, khi thời tiết tốt hơn, số người vượt biển sang nước này bằng tàu biển, xà lan và các phương tiện trên biển khác sẽ còn tăng mạnh.

Hầu hết những người này đến từ các nước Bắc Phi hoặc Trung Đông đang có những bất ổn về chính trị và kinh tế, như Libya và Syria.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Italy, Angelino Alfano, hiện có khoảng từ 300.000-600.000 người Bắc Phi đang chờ đợi để được các băng nhóm tội phạm chuyên tổ chức đưa người vượt biển đưa sang châu Âu qua ngả Italy.

Bên lề một hội thảo về nhập cư ở Palermo, đảo Sicily, ông Alfano cho rằng nhập cư trái phép không chỉ là vấn đề của Italy mà còn của cả châu Âu, và EU cần phải gia tăng sự hỗ trợ của họ trong việc cùng Italy giải quyết vấn đề này.

Đáp lại tuyên bố của Bộ trưởng Alfano, ông Roberto Maroni, từng là Bộ trưởng Nội vụ dưới thời Thủ tướng Silvio Berlusconi, đã chỉ trích cải cách nhập cư mà chính phủ mới đưa ra.

Ông Maroni cho rằng với luật nhập cư mới, người nhập cư trái phép được “khuyến khích” sang Italy mà không bị trừng phạt. Ông cũng cho rằng, các tổ chức tội phạm buôn người và tổ chức vượt biên của Italy và Bắc Phi đã lợi dụng điều này để trục lợi.

Hiện tại, dự luật cải cách nhập cư của chính phủ mới đang bị phe đối lập phản đối mạnh mẽ, cho là “mở cửa cho người nhập cư trái phép” vào Italy, trong thời điểm nền kinh tế đang khủng hoảng, xã hội đang bất ổn và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức kỷ lục 13%.

Cải cách nhập cư mới, do đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đề xuất, nới lỏng hơn các quy định nhập cư mà luật cũ, do đảng ly khai và bài nhập cư Liên đoàn phương Bắc chấp bút.

Theo cải cách mới, những người nhập cư trái phép lần đầu vào Italy sẽ không bị đưa ra xét xử như quy định trong luật cũ mà chỉ bị trục xuất.

Chính phủ cũng đang đưa ra thảo luận ở Quốc hội việc giảm bớt thời gian trung chuyển của những người nhập cư tại các trại tiếp nhận trên đất Italy.

Báo chí Italy đã phản ánh về điều kiện tồi tệ về vệ sinh và y tế của các trại tiếp nhận này trong thời gian qua, trong khi một vài vụ nổi loạn của người nhập cư trong trại chống lại nhà cầm quyền Italy về những vấn đề này cũng đã xảy ra.

Italy, cụ thể là đảo Lampedusa thuộc quần đảo Sicily, là điểm gần châu Phi nhất của châu Âu và người tị nạn Bắc Phi tìm mọi cách để đến được đây, bất chấp điều kiện thời tiết cũng như phương tiện.

Chỉ tính riêng năm ngoái, Italy đã tiếp nhận gần 100.000 người nhập cư theo đường biển. Một nửa trong số đó đã bị trục xuất về nước xuất phát của họ. Một số lượng rất lớn chưa tính được con số cụ thể đã chết trên biển trong các vụ đắm tàu.

Nhập cư trái phép là một vấn đề hết sức nhạy cảm ở Italy trong những năm qua. Trong khi kêu gọi châu Âu hỗ trợ, Italy cũng tìm cách triệt phá các băng nhóm tội phạm chuyên đưa người từ Bắc Phi sang Italy.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Italy, cả bốn hệ thống mafia lớn của nước này đều có “thu nhập” hàng tỷ euro mỗi năm từ ngành “kinh doanh” béo bở này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.