Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2018, nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị gần 9,9 tỷ USD.
Trong đó, nhóm hàng phế liệu sắt thép ghi nhận mức tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giá trị nhập khẩu là 1,244 tỷ USD.
[Quản lý nhập khẩu phế liệu: Nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai]
Nhập khẩu từ Mỹ tăng trên 50%
Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại, Bộ Công Thương (VITIC) cho hay, lượng sắt thép phế liệu từ Nhật Bản đạt 990.639 tấn, trị giá 368,64 triệu USD, chiếm 28,5% trong tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 30,3% trong tổng kim ngạch, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 29,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là Mỹ, với lượng nhập khẩu đạt 594.963 tấn, trị giá 213,03 triệu USD, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước, tăng mạnh 50,4% về lượng và tăng 89,1% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đạt 384.665 tấn, tương đương 140,9 triệu USD, chiếm trên 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, giảm 13,8% về lượng nhưng tăng 13,8% về kim ngạch.
Thông tin tại phiên họp họp báo thường kỳ diễn ra tối 30/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao liên bộ và các địa phương kiểm tra lại các lô hàng phế liệu nhập về Việt Nam, đặc biệt vấn đề lợi dụng danh nghĩa cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết, khi nhận thông tin về việc Việt Nam có gần 6.000 container phế liệu tồn đọng, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên Môi trường báo cáo về tình hình liên quan tới nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Khẳng định lại một lần nữa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu về nhập khẩu phế liệu giấy và sắt thì vẫn được cấp phép nhập về để duy trì hoạt động.
"Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có báo cáo kết luận. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an xem xét, điều tra tổng thể," Người phát ngôn Chính phủ nói.
- Biểu đồ nhập khẩu sắt thép phế liệu trong 8 tháng đầu năm 2018:
Không để công nghệ lạc hậu và phế thải vào Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp có nhu cầu về sản xuất giấy, sản xuất thép… là nhu cầu chính đáng, nhưng sau khi kiểm tra lại, nhiều lô hàng vô chủ, trong khi vấn đề giám định thư, giấy phép nhập khẩu, quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra để đánh giá thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa có công bố mà chỉ có văn bản hướng dẫn, không đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Do vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cùng Bộ Công an và các địa phương kiểm tra lại các lô hàng nhập về Việt Nam để có phương án giải quyết.
Trước đó, tại buổi họp báo về Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, ngoài kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, một loạt các cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường đang được phía Kiểm toán Nhà nước nhắm tới.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quá trình phát triển bền vững đang bị thách thức vì yếu tố môi trường. Đây là lực cản có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, theo ông, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư. “Nếu ta không ngăn chặn thì sẽ bị đẩy công nghệ lạc hậu và phế thải vào trong nước và ta thành bãi rác. Việc này ảnh hưởng tới tới cuộc sống, sự phát triển bền vững của ta,” ông Phớc nói./.