Ngày 8/12, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo chính phủ nước này đã soạn thảo gói kích thích kinh tế bổ sung trị giá 73.600 tỷ yen (707 tỷ USD) để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp của chính phủ với các đảng cầm quyền, Thủ tướng Suga nêu rõ Nhật Bản sẽ duy trì việc làm, đảm bảo các doanh nghiệp tiếp tục vận hành, phục hồi kinh tế và mở đường cho tăng trưởng thông qua các công nghệ xanh và số hóa.
Gói kích thích bao gồm khoảng 40.000 tỷ yen (384,5 tỷ USD) chi trực tiếp và các sáng kiến nhằm giảm phát thải carbon cũng như thúc đẩy công nghệ số. Bên cạnh đó, gói kích thích cũng bao gồm việc gia hạn các chương trình trợ cấp nhằm thúc đẩy du lịch nội địa và tiêu dùng, cũng như giúp các công ty duy trì lực lượng lao động. Dự kiến nội các Nhật Bản sẽ thông qua gói kích thích này trong ngày 8/12.
Khoản kinh phí trên sẽ được trích từ ngân sách bổ sung thứ ba của tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021), có tổng trị giá 20.100 tỷ yen (193,2 tỷ USD) và ngân sách ban đầu của tài khóa 2021. Cả hai khoản ngân sách này dự kiến được nội các Nhật Bản thông qua cuối tháng này.
[Nhật Bản: GDP thực tế tăng mạnh hơn so với ước tính ban đầu]
Đây là gói kích thích kinh tế đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Suga lên nắm quyền vào giữa tháng 9 vừa qua, nâng tổng số tiền Chính phủ Nhật Bản đã chi cho các biện pháp kích thích liên quan đến dịch COVID-19 vào khoảng 3.000 tỷ USD.
Gói kích thích được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong hằng ngày do COVID-19 liên tục tăng mạnh trong những tuần qua tại Nhật Bản, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ hệ thống y tế nước này bị quá tải.
Trong tài khóa 2020, tính đến thời điểm này, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua 2 ngân sách bổ sung tổng trị giá 57.600 tỷ yen (553,7 tỷ USD) để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/12, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong quý 3/2020 đã phục hồi với mức tăng trưởng thực tế Tổng sản phẩm quốc nội 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 5,3% so với quý trước đó, sau khi ghi nhận sự sụt giảm tồi tệ nhất thời hậu chiến trong quý trước đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba sẽ làm chậm đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản trong những quý tới./.