Nhật Bản đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở tình trạng báo động

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết Nhật Bản dự đoán Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mang theo vệ tinh bay qua chuỗi đảo phía Tây Nam của Nhật Bản.
Nhật Bản đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở tình trạng báo động ảnh 1Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại địa điểm bí mật của Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/5, Nhật Bản đã đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong tình trạng báo động, đồng thời cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào đe dọa lãnh thổ của nước này.

Động thái này diễn ra sau khi Nhật Bản nhận được thông báo của Triều Tiên về kế hoạch phóng một vệ tinh, có thể diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng nêu rõ: "Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp chống lại tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác được xác nhận là hạ cánh xuống lãnh thổ của chúng tôi."

Theo đó, Nhật Bản sẽ sử dụng tên lửa SM-3 hoặc tên lửa Patriot PAC-3 để ngăn chặn các tên lửa hướng về nước này.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên đã tuyên bố hoàn tất công tác chuẩn bị để lắp vệ tinh do thám quân sự đầu tiên lên một tên lửa.

[Nhật Bản chi gần 3 tỷ USD để phát triển lực lượng tên lửa mới]

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã tới thị sát một ủy ban chịu trách nhiệm chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh do thám quân sự và thông qua “kế hoạch hành động trong tương lai” của ủy ban này.

Đây sẽ là bước đi mới nhất của Triều Tiên trong một loạt vụ phóng tên lửa và thử nghiệm vũ khí những tháng gần đây, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, sử dụng nhiên liệu rắn.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết Nhật Bản dự đoán Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mang theo vệ tinh bay qua chuỗi đảo phía Tây Nam của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh bất cứ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên đều sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế.

Văn phòng Thủ tướng khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác và sẽ làm tất cả những gì có thể để thu thập và phân tích thông tin từ bất kỳ vụ phóng nào.

Trước đó, Nhật Bản đã giao cho nhà sản xuất thiết bị quốc phòng lớn nhất nước này Mitsubishi Heavy Industries thực hiện các hợp đồng trị giá 2,84 tỷ USD để phát triển và xây dựng lực lượng tên lửa mới.

Trong thông báo cáo chí, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 4 hợp đồng bao gồm phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất, trên biển và trên không cũng như đầu đạn siêu thanh mà Nhật Bản muốn bắt đầu triển khai từ năm 2026.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã tiết lộ kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, qua đó sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.