Nhật Bản đề xuất xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

Nhật Bản hiện đang tích trữ khoảng một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại các bể chứa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từng bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần.
Nhật Bản đề xuất xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển ảnh 1Lò phản ứng số 4 (trái) và các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/2, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ủng hộ Nhật Bản xả nguồn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Nhật Bản hiện đang tích trữ khoảng một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại các bể chứa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từng bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

Hồi tháng trước, một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản đề xuất xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý trong các bể chứa trực tiếp ra biển hoặc ra môi trường thông qua quy trình bốc hơi.

[IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản làm sạch nhà máy Fukushima]

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này trong bối cảnh các thể tích chứa nước không còn nhiều.

Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng cả hai đề xuất trên đều có vẻ hợp lý nhưng quyết định cuối cùng về cách thức và thời điểm thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Nhật Bản.

Dù IAEA chưa hoàn tất phân tích cuối cùng nhưng hiện tổ chức này có thể khẳng định ủy ban trên đã thực hiện báo cáo đánh giá về hai phương án với một cách tiếp cận rất hệ thống và bài bản.

Ông cũng cho rằng hai phương án trên cũng phù hợp với những biện pháp từng được áp dụng một cách cẩn trọng trên toàn thế giới.

Ngoài ra, việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển  từng được thực hiện ở một số nơi. Và, điều quan trọng là phải đảm bảo không gây ra các tác hại và có sự giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình và sau khi xả để chắc chắn mọi quy trình đều phù hợp.

Nước nhiễm phóng xạ từ nhiều nguồn khác nhau như nước sử dụng cho việc làm mát tại nhà máy, nước bề mặt và nước mưa thấm vào bên trong nhà máy hằng ngày đều đã được xử lý với một quy trình lọc đặc biệt giúp loại bỏ hầu hết các phóng xạ và chỉ còn lại triti.

Đề xuất xả nguồn nước này ra môi trường gây nhiều tranh cãi khi một số quốc gia láng giềng lo ngại về độ an toàn của nước xả. Ngoài ra, người dân địa phương, đặc biệt là ngư dân, lo ngại về các nguy cơ nguồn nước này có thể làm tổn hại tới uy tín của vùng.

Sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, hiện còn hơn 4.700 thanh nhiên liệu vẫn đang nằm trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy và hai lò phản ứng khác còn sót lại tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Đây là những mối nguy hiểm tiềm tàng bởi nếu xảy ra một thảm họa khác, các thanh này có thể nóng chảy và giải phóng lượng lớn phóng xạ.

Hồi tháng 12/2019, Nhật Bản đã điều chỉnh lộ trình làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukishima tuy nhiên vẫn giữ nguyên khung thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ 30 đến 40 năm kể từ năm 2011.

Ước tính chi phí làm sạch nhà máy Fukushima có thể lên tới 8.000 tỷ yen (73 tỷ USD), cộng với chi phí đền bù, làm sạch các khu vực xung quanh có thể lên tới 22.000 tỷ yen (200 tỷ USD).

Nhật Bản cũng cần khoảng 10.000 công nhân mỗi năm trong những năm tới để thực hiện những công việc này và 1/3 trong số này sẽ làm việc tiếp xúc với nước nhiễm phóng xạ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục