Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định tạm dừng trên nguyên tắc việc cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than mới ở nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản sẽ không tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ vốn ODA, trong đó có các khoản vay bằng đồng yen, cho các dự án nhiệt điện chạy than từ các quốc gia khác.
Theo nhật báo Yomiuri của Nhật Bản, động thái này là nhằm đóng góp cho nỗ lực giảm phát thải khí carbon (CO2) của cộng đồng quốc tế thông qua việc chuyển vốn ODA dành cho các dự án nhiệt điện chạy than sang hỗ trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái sinh thân thiện với môi trường.
[Nhật Bản sẽ đóng cửa 100 nhà máy nhiệt điện chạy than trong 10 năm tới]
Yomiuri dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay vốn ODA cho các dự án nhiệt điện chạy than sẽ được cung cấp trong những trường hợp cực kỳ hãn hữu như các nhà máy sử dụng công nghệ mới nhất để giảm lượng khí thải CO2.
Tuy nhiên, do việc áp dụng công nghệ như vậy lại là rào cản lớn về mặt tài chính đối với các nước đang phát triển và mới nổi nên việc cung cấp vốn ODA cho các dự án nhiệt điện chạy than mới về cơ bản sẽ chấm dứt.
Với chi phí thấp, nhiệt điện chạy than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng ở các nước đang phát triển. Nhật Bản đã phân bổ khoảng 5% trong tổng số 1.370,5 tỷ yen vốn vay trong tài khóa 2018 để hỗ trợ cho các dự án năng lượng này, trong đó phần lớn được cung cấp cho các nước châu Á như Việt Nam và Bangladesh.
Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển và mới nổi thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ mới để sản xuất năng lượng tái sinh như điện gió và địa nhiệt cũng như giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở ở nước ngoài của Nhật Bản được sửa đổi hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng số đơn hàng xuất khẩu hạ tầng từ mức 25.000 tỷ yen năm 2018 lên 34.000 tỷ yen vào năm 2025, theo đó Nhật Bản sẽ sử dụng vốn ODA như một công cụ khuyến khích việc mở rộng xuất khẩu các công nghệ giảm phát thải khí CO2 sang các quốc gia châu Á và châu Phi./.