Nhật Bản hỗ trợ các nước Đông Nam Á phát triển AI bằng ngôn ngữ địa phương

Nhật Bản dự kiến sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa các công ty AI và doanh nghiệp Nhật Bản tại Singapore, Malaysia, Việt Nam và các nước còn lại trong khu vực, bao gồm cả các mô hình LLM.

(Ảnh: Nikkei)
(Ảnh: Nikkei)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản sẽ giúp các nước Đông Nam Á đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) bằng ngôn ngữ địa phương của họ nhằm thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ công bố sáng kiến công-tư này tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp châu Á do Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) tổ chức vào ngày 5/7.

Chính phủ của Thủ tướng Kishida coi AI và quá trình khử carbon là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thể hỗ trợ một cách đặc biệt cho Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhật Bản dự kiến sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa các công ty AI và doanh nghiệp Nhật Bản tại Singapore, Malaysia, Việt Nam và các nước còn lại trong khu vực, bao gồm cả các mô hình LLM.

LLM cung cấp nền tảng cho các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT. Vì AI cần được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu, nên ngày càng có nhiều tiến bộ hơn trong các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi như tiếng Anh.

Các công ty Ấn Độ cũng đang làm việc trên LLM tiếng Hindi và tiếng Bengal.

Tiếng Nhật và ngôn ngữ của các quốc gia Đông Nam Á ít phổ biến hơn nên Nhật Bản và các nước ASEAN chia sẻ mối lo ngại rằng sự tiến bộ chậm trễ trong ngôn ngữ sẽ cản trở việc tạo ra các dịch vụ AI mới và làm suy yếu sự đa dạng văn hóa.

Việc phụ thuộc vào các công ty nước ngoài về công nghệ tiên tiến cũng gây ra rủi ro cho an ninh kinh tế.

Nhật Bản mong muốn các nhà phát triển AI trong nước hợp tác với các đối tác ở Đông Nam Á để đào tạo LLM theo ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa địa phương, bao gồm biên soạn dữ liệu văn bản và giọng nói cũng như thử nghiệm các mô hình.

Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp các nguồn lực tính toán như các đơn vị xử lý đồ họa dùng để xử lý dữ liệu cho các nước Đông Nam Á.

Trên thực tế, một số mối quan hệ đối tác đã bắt đầu. Công ty Elyza có trụ sở tại Tokyo, thuộc “ông lớn” viễn thông KDDI đang phát triển một LLM của Thái Lan.

Công ty khởi nghiệp này đặt mục tiêu kết nối các doanh nghiệp tại Nhật Bản và Thái Lan bằng các dịch vụ do một tập đoàn Thái Lan và công ty công nghệ tài chính Kokopelli (Nhật Bản) cung cấp.

Tháng 12/2023, Singapore đã công bố sáng kiến phát triển chương trình LLM đào tạo tiếng Indonesia, tiếng Malaysia và tiếng Thái. Nhật Bản sẽ tìm cách hợp tác trong nỗ lực này.

Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp cho các công ty mở rộng sang các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu. Chương trình có ngân sách là 140 tỷ yen (867 triệu USD).

Dự án LLM của Thái Lan có thể là một trong những ứng cử viên đầu tiên cho khoản viện trợ này.

Chương trình Generative AI Accelerator Challenge (GENIAC) của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số, cũng sẽ cung cấp 29 tỷ yen (179 triệu USD) viện trợ vào cuối tài khóa.

Thủ tướng Kishida cũng sẽ thảo luận về các sáng kiến theo kế hoạch xây dựng kỹ năng số, nhằm đào tạo 100.000 nhân viên trong vòng 5 năm thông qua hợp tác với các thành viên ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục