Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA xây dựng hệ thống ngăn mặn tại tỉnh Bến Tre

Nhật Bản hỗ trợ xây dựng và lắp đặt hệ thống chống xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam thông qua dự án "Quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre" với giá trị khoản vay là 24,257 tỷ Yên Nhật.
Hệ thống cống ngăn xâm nhập mặn tại Hậu Giang. (Nguồn: TTXVN)

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký với Chính phủ nước Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA cho Dự án “Quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre” với giá trị khoản vay là 24,257 tỷ yen Nhật (khoảng 216 triệu USD).

Dự án này sẽ hỗ trợ xây dựng và lắp đặt hệ thống chống xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre, nơi hiện tượng xâm nhập mặn gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

[Việt Nam mong muốn chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thêm nhiều vốn ODA]

Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đảm bảo nguồn nước có nồng độ mặn thấp phục vụ tưới cho cây trồng, làm tăng năng suất nông nghiệp, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Đơn vị thực hiện dự án là Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 (Số 2 đường Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.)

Hình minh họa hệ thống chống xâm nhập mặn. (Nguồn: JICA)

Theo đó kế hoạch thực hiện dự án, dự kiến thời gian hoàn thành dự án là tháng 10/2022 (thời điểm công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng).

Cụ thể, thời gian dự kiến thông báo mời thầu dịch vụ tư vấn (thiết kế chi tiết) là tháng 9/2017. Thời gian dự kiến thông báo mời thầu gói thầu xây lắp đầu tiên theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế xây dựng cống ngăn mặn vào tháng 5/2018.

[Nhật Bản cung cấp khoản vốn vay ODA 11 tỷ yen cho Việt Nam]

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lương thực lớn của Việt Nam, cung cấp hơn một nửa sản lượng lương thực của cả nước. Trong số đó, Bến Tre là tỉnh rất phát triển về sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ yếu là lúa, dừa, các loại cây ăn trái như cam, chanh... Tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 44% GDP của tỉnh, tương đối cao so với bình quân cả nước (khoảng 18%). Nông nghiệp là ngành giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh Bến Tre.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu và một số yếu tố khác, các nhánh sông Cửu Long đã bị xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp, cây trồng chịu mặn kém đã bị giảm sản lượng thu hoạch đáng kể, các loại trái cây có chiều hướng nhỏ đi không phát triển được.

Tính riêng trong năm 2015, thiệt hại do xâm nhập mặn xấp xỉ khoảng 1.500 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ Yên).

Do đó, để khắc phục tình trạng này, cần có các giải pháp ngăn chặn xâm nhập mặn triệt để như xây dựng các cửa cống chống xâm nhập mặn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục