Ngày 10/7, tại Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Nhật Bản, do ông Kyoshiro Ichikawa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn I.B.C Việt Nam, chuyên gia cố vấn chương trình Japan Desk Cần Thơ về vấn đề thiết lập đầu mối xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Cần Thơ.
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và hội chợ triển lãm đã thông tin với ông Ichikawa về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Cần Thơ, về dịch vụ cảng, hạ tầng giao thông, các lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh, nguồn nhân lực.
Những năm qua, Cần Thơ đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, đặc biệt là ký bản ghi nhớ hợp tác với các địa phương có những đặc điểm tương đồng với Cần Thơ, nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, Nhật Bản luôn được coi là đối tác chiến lược, gắn bó lâu dài về hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng...
[Nhật Bản cam kết cho vay 12,8 tỷ yên vốn ODA về phát triển hạ tầng]
Nhằm đưa các hoạt động hợp tác với Nhật Bản đi vào chiều sâu, năm 2015, thành phố Cần Thơ đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn I.B.C Việt Nam để tiến hành các hoạt động giới thiệu quảng bá, xúc tiến đầu tư giúp các doanh nghiệp, cá nhân của Nhật Bản tiến hành khảo sát, tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư tại Cần Thơ và ngược lại.
Đến đầu năm nay, thành lập Tổ công tác hợp tác Nhật Bản-Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) do ông Ichikawa - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn I.B.C Việt Nam làm cố vấn.
Vai trò của Japan Desk là làm đầu mối tiếp xúc, nắm bắt các thông tin từ phía doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ để cùng chính quyền địa phương đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Cần Thơ hiện có 13 dự án đầu tư nước ngoài do các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện, với vốn đầu tư 10,5 triệu USD.
So với tiềm năng cả hai phía thì mức đầu tư này còn khá khiêm tốn. Vì vậy, Phó Chủ tịch mong muốn Japan Desk làm cầu nối, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá về các thế mạnh cũng như các lĩnh vực mà Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư, để doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu và đầu tư ngày càng nhiều vào thành phố.
Đồng thời, ông cũng mong muốn Japan Desk thành lập cơ quan đại diện chính thức của Japan Desk tại thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong cập nhật thông tin và các hoạt động hỗ trợ khác cho các nhà đầu tư Nhật Bản đã và sẽ đầu tư vào đây.
Ông Ichikawa khẳng định, Japan Desk sẽ tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư mới từ Nhật Bản vào Cần Thơ và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Tại khu vực Tây Nam Bộ, Japan Desk đã tiến hành khảo sát và nhận được lời mời hợp tác từ nhiều địa phương, song các chương trình đưa ra khá dàn trải và khó tiếp cận để đầu tư.
Trong khi đó, thành phố Cần Thơ tuy hiện nay chưa dẫn đầu về chỉ số PCI và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng với vị thế là trung tâm, đầu tàu của toàn khu vực Tây Nam Bộ - vùng nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, nên Cần Thơ hiện là đầu mối giao thương tốt nhất và cũng là nơi thích hợp nhất để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, hạ tầng logistics cảng biển.
Chỉ tính riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Cần Thơ có đủ tiềm năng và lợi thế làm cầu nối thu hút đầu tư cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Cần Thơ luôn có những chính sách cụ thể giúp cho việc xúc tiến đầu tư thực chất và dễ hiện thực hơn so với các địa phương khác, do đó được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đầu tư.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm với Japan Desk về trình tự tiếp cận tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ.
Kế hoạch trong nửa cuối năm 2017 đến năm 2018, ông Ichikawa cho biết, Japan Desk sẽ tổ chức tiếp hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản đến làm việc và khảo sát cơ hội đầu tư tại Cần Thơ.
Ngoài giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố, tại các buổi làm việc với doanh nghiệp, Japan Desk sẽ tiếp nhận ý kiến phản ánh của các công ty Nhật Bản để gửi đến lãnh đạo địa phương nhằm tìm hướng giải quyết.
Ngoài ra, Japan Desk cũng sẽ triển khai thiết lập các kênh để tiếp cận và quảng bá môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Cần Thơ; sắp xếp tổ chức làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO để tổ chức Hội thảo đầu tư vào Cần Thơ tại Nhật Bản dự kiến vào cuối năm nay.
Japan Desk cũng giới thiệu các nhà khoa học, chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ Cần Thơ trong công tác nghiên cứu phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng, chăn nuôi, thủy hải sản. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho Cần Thơ tiếp cận tốt hơn các nguồn lực đầu tư phát triển.
Ông Trương Quang Hoài Nam cho biết, hiện nay Cần Thơ đang có một số danh mục dự án mời gọi đầu tư vào Cần Thơ, với tổng vốn gần 1 tỷ USD như xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ô Môn, Khu công nghệ cao Thới Lai, Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu du lịch Cồn Sơn, Khu vui chơi giải trí Cồn Khương, Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt và Trung tâm Dịch vụ logistics Cần Thơ.
Các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào các dự án này sẽ được sự hỗ trợ tối đa của địa phương./.