Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã lên kế hoạch gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào cuối tháng Chín tới tại New York, Mỹ, trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách đóng vai trò làm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Theo Bộ trên, tiếp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại thành phố Yokohama, Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã nhất trí với ông Zarif về việc sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra bên lề kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong tháng Chín tới tại New York.
[Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh quan tâm tới sự ổn định tại vùng Vịnh]
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Abe, Ngoại trưởng Iran Zariff nêu rõ nước này không mong muốn căng thẳng gia tăng hơn nữa tại Trung Đông do mâu thuẫn với Mỹ liên quan tới thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh: "Iran hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc làm giảm căng thẳng tại Trung Đông".
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Abe tuyên bố Tokyo sẽ tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng đang có xu hướng gia tăng tại Trung Đông và nhanh chóng ổn định tình hình hiện nay.
Cuộc gặp diễn ra sau khi Ngoại trưởng Zarif bất ngờ đến thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp, ngày 25/8, đúng thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tại Biarritz, ông đã thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về các nỗ lực tháo ngòi nổ căng thẳng ở Trung Đông.
Nhật Bản hy vọng Iran sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn đặt ra giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, Iran cho biết nước này đang làm giàu và tích trữ urani vượt mức đã nhất trí trong JCPOA sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái.
Căng thẳng Mỹ- Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ. Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.
Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết nêu trong thỏa thuận.
Căng thẳng song phương liên tục leo thang sau các sự cố với các tàu chở dầu ở vùng Vịnh mà Washington cáo buộc Iran đứng sau trong khi Tehran bác bỏ.
Iran cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ vì cho rằng máy bay này vi phạm không phận Iran, một cáo buộc mà Washington luôn phủ nhận.
Mới đây nhất, Mỹ thông báo muốn bắt giữ tàu chở dầu của Iran vừa được chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh trả tự do, đồng thời yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực không hỗ trợ tàu này nếu không sẽ bị trừng phạt./.