Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại Seoul ngày 2/11.
Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định sự lo ngại của cộng đồng quốc tế đối với việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh, tự do hàng hải tại đây.
Trong cuộc hội đàm cùng ngày tại Seoul với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cũng kêu gọi các bên liên quan đảm bảo tự do hàng không, hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Ngày 2/11, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hải quân nước này có kế hoạch thực hiện tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở Biển Đông khoảng 2 lần/quý. Theo quan chức trên, hoạt động tuần tra này phù hợp với ý định thường xuyên thực hiện các quyền của Mỹ theo luật pháp quốc tế và thể hiện rõ lập trường của Washington.
Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường thực hiện cam kết tự do hàng hải ở Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Washington, ông Rhodes nêu rõ: "Chúng tôi có lợi ích ở đó. Vì thế, chúng tôi sẽ duy trì nguyên tắc tự do hàng hải."
Trước đó, ngày 29/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”./.