Nhật Bản phát triển vaccine phòng Omicron, Nga nâng cấp Sputnik V

Công ty Shionogi đã chuẩn bị sản xuất các hoạt chất sẽ được dùng làm cơ sở để phát triển vaccine ngừa biến thể Omicron; còn RDIF đang phát triển phiên bản vaccine Sputnik khác để tiêm liều tăng cưowfn
Nhật Bản phát triển vaccine phòng Omicron, Nga nâng cấp Sputnik V ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 30/11, công ty dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản cho biết đang xem xét phát triển vaccine phòng biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo một quan chức của công ty Shionogi có trụ sở tại Osaka, công ty này đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất các hoạt chất sẽ được dùng làm cơ sở để phát triển vaccine ngừa biến thể Omicron, vốn được đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao hoặc làm tăng nguy cơ tái nhiễm đối với những người đã mắc COVID-19 trước đó.

Shionogi đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vaccine phòng COVID-19, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ tháng Ba tới. Dự kiến, đây sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên của Nhật Bản.

Shionogi cũng đang phát triển một loại thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, có thể ngăn ngừa khả năng bệnh nặng ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình. Shionogi sẽ nghiên cứu thêm xem liệu thuốc kháng virus này có hiệu quả với bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron hay không.

Trước đó, Shionogi cho biết công ty sẽ xin cấp phép lưu hành loại thuốc uống này vào cuối năm nay, với hy vọng sẽ góp phần nâng cao liệu pháp điều trị tại nhà. Nếu được phê duyệt, đây là loại thuốc dạng uống đầu tiên trong điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ ở Nhật Bản.

[Các hãng dược nghiên cứu phát triển vaccine chống biến thể Omicron]

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 29/11 thông báo vaccine Sputnik V hoạt động hiệu quả trước biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và hiện đơn vị này đang phát triển một phiên bản vaccine Sputnik khác để tiêm liều tăng cường.

Theo RDIF, trong trường hợp cần thiết, phiên bản mới của vaccine Sputnik nhằm ngừa biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô lớn trong 45 ngày tới. Hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik Omicron dùng cho mũi tiêm tăng cường có thể được cung cấp cho các thị trường vào tháng 2/2020, và khoảng 3 tỷ liều trong cả năm 2022.

Các thông tin trên đưa ra trong bối cảnh Giám đốc điều hành hãng dược Moderna (Mỹ) Stephane Bancel mới đây cho rằng nhiều khả năng các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả không cao trước biến thể Omicron như đối với biến thể Delta.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Stephane Bancel nhấn mạnh: "Tôi nghĩ mức độ hiệu quả sẽ có sự sụt giảm, chỉ là không biết ở mức độ nào vì chúng ta cần chờ dữ liệu. Tuy nhiên tất cả các nhà khoa học mà tôi đã trao đổi ý kiến đều cho rằng điều này sẽ không tốt."

Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và hiện đã lây lan ra một số nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định đây là "biến thể đáng quan ngại"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.