Ngày 1/7, Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa đẩy H3 mang theo vệ tinh quan sát mặt đất Tiên tiến 4 nhằm thúc đẩy những tham vọng về vũ trụ của nước này sau vụ phóng thất bại vào năm ngoái.
Tên lửa đẩy H3 số 3 do Nhật Bản tự sản xuất đã rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima, rời khỏi tầng đầu tiên sau khoảng 5 phút và vệ tinh trên đã tách ra sau khoảng 17 phút, đúng như dự định.
Vệ tinh quan sát mặt đất Tiên tiến 4 dự kiến được sử dụng để quan sát các khu vực bị thiên tai và giám sát sự biến đổi trên mặt đất do tác động của núi lửa hoặc động đất.
Thông qua việc sử dụng cảm biến radar, vệ tinh này có thể thu được hình ảnh thậm chí trong thời tiết xấu và vào ban đêm.
Vụ phóng trên diễn ra vào thời điểm Nhật Bản đang tìm cách giành được chỗ đứng trong lĩnh vực phóng vệ tinh ngày càng cạnh tranh, với kế hoạch phóng tên lửa đẩy H3 6 lần mỗi năm.
Sự cạnh tranh gia tăng mạnh kể từ khi công ty vũ trụ tư nhân SpaceX của Mỹ tham gia "cuộc đua" trong lĩnh vực này.
Trước đó, vụ phóng tên lửa đẩy H3 số 3 được lên kế hoạch vào ngày 30/6 nhưng đã bị hoãn lại do dự báo thời tiết xấu.
Tên lửa đẩy H3 do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và công ty kỹ thuật, điện tử Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phát triển.
Tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng này đóng vai trò là phương tiện phóng hạng nặng thế hệ tiếp theo của Nhật Bản, sau tên lửa đẩy H2A./.
JAXA: Nhật Bản phóng tên lửa H3 thế hệ mới, mang theo 3 vệ tinh
Tên lửa H3 số 2 được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegeshima thuộc tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản, mang theo một vệ tinh kiểm định và hai vệ tinh chức năng siêu nhỏ.