Ngày 26/4, Chính phủ Nhật Bản đã thể hiện lập trường khá thận trọng trước phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cơ chế đàm phán 6 bên giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo về lập trường của Chính phủ Nhật Bản đối với phát biểu của Tổng thống Nga Putin đề cập tới tính cần thiết của hội đàm 6 bên tại hội đàm thượng đỉnh Nga-Triều ngày 25/4 vừa qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihida Suga nhấn mạnh tới “mối liên kết giữa Mỹ-Nhật Bản, Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản."
Theo ông Suga, cách thức để đảm bảo an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên là vấn đề cần phải được sự thống nhất giữa các nước có liên quan, bao gồm cả Nhật Bản.
Ông khẳng định Nhật Bản muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc, trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Giới phân tích nhận định phát ngôn của ông Suga cho thấy lập trường của Chính phủ Nhật Bản thiên về liên kết giữa ba nước Mỹ-Nhật-Hàn hơn là đàm phán 6 bên trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Trước đó, ngày 25/4, tại hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định nguyên tắc đảm bảo an ninh và chủ quyền của Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
[Hai miền Triều Tiên sẽ đàm phán quân sự về nối lại đường dây liên lạc]
Theo nhà lãnh đạo Nga, các thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh là chưa đủ, mà cần một cơ chế an ninh đa phương cho Bình Nhưỡng, và đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc tế.
Đàm phán 6 bên phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã được khởi động từ năm 2003. Sự kiện này được tổ chức sau diễn biến nóng liên quan tới nghi ngờ Triều Tiên phát triển chương trình làm giàu hạt nhân.
Đàm phán 6 bên từng được ca ngợi là phương thức hiệu quả có thể khiến Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ và Triều Tiên sau đó ngày càng bất đồng về cách thức xác thực cam kết từ bỏ hạt nhân của Bình Nhưỡng, dẫn đến việc các cuộc đàm phán 6 bên bị đình trệ từ tháng 12/2008./.