Nhật Bản: Thặng dư tài khoản vãng lai lần đầu giảm trong 8 tháng

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật trong tháng Một đạt 575 triệu USD, nhưng lại là lần đầu tiên trong 8 tháng con số này bị giảm do thâm hụt thương mại ngày càng lớn.
Nhật Bản: Thặng dư tài khoản vãng lai lần đầu giảm trong 8 tháng ảnh 1Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 8/3, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng Một đạt 65,5 tỷ yen (tương đương 575 triệu USD), thặng dư tháng thứ 31 liên tiếp.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong 8 tháng con số này bị giảm do thâm hụt thương mại ngày càng lớn trong bối cảnh giá dầu thô tăng.

Thương mại hàng hóa bị thâm hụt ở mức 853,4 tỷ yen (7,5 tỷ USD) do giá trị nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu.

Giá trị dầu thô nhập khẩu trong tháng Một tăng 35,7%, với giá dầu thô trung bình tăng 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 53,3 USD/thùng. Nhập khẩu than cũng tăng 52,3% về giá trị.

Nhật Bản đã phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima tháng 3/2011, với phần lớn các lò phản ứng phải ngưng hoạt động do lo ngại về an toàn.

Ngoài ra, thặng dư tài khoản thu nhập cơ bản, vốn phản ánh nguồn thu từ đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, đã giảm 5,4% xuống 1.270 tỷ yen (11,2 tỷ USD).

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản thông báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 4/2016 đã được điều chỉnh từ mức tăng 1% lên 1,2%, song con số này vẫn thấp hơn so với dự báo của thị trường là 1,6%. Nếu tính theo quý, tăng trưởng GDP trong quý 4 đã được điều chỉnh từ mức tăng 0,2% lên 0,3% so với quý trước.

Đây là một thông tin tích cực cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong bối cảnh họ bắt đầu thảo luận về cách thức giảm bớt gói kích thích kinh tế khổng lồ được triển khai trong những năm qua.

Tốc độ tăng trưởng mạnh hơn sẽ có lợi cho Chính phủ Nhật Bản với hy vọng việc tăng đầu tư của doanh nghiệp sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng trong tương lai và tăng năng suất.

Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn không đủ mạnh để đảm bảo duy trì lạm phát, và nguy cơ tăng chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản không muốn tăng lương, vốn được coi nhân tố quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng và hoạt động kinh tế trong nước.

Các số liệu khác cũng được điều chỉnh so với báo cáo sơ bộ ngày 13/2 vừa qua gồm chi tiêu vốn công ty tăng 2% thay vì 0,9%, trong khi chỉ số tiêu dùng - vốn chiếm 60% GDP của Nhật Bản - gần như không thay đổi khi được điều chỉnh tăng từ 0,01% lên 0,04%. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong quý 4/2016 vẫn giữ nguyên lần lượt ở mức 2,6% và 1,3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.