Ngày 10/7, Chính phủ Nhật Bản công bố dữ liệu cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng Năm vừa qua đã tăng gần 2,5 lần so với một năm trước, lên tới 1.860 tỷ yen (13 tỷ USD).
Mức tăng này là do lợi nhuận đầu tư kỷ lục trong tháng và thâm hụt thương mại ít do nhập khẩu năng lượng giảm mạnh.
Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Nhật Bản - đã giảm lần đầu tiên trong vòng 27 tháng, trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc giảm và lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
[Nhật Bản: Thu từ thuế đạt mức cao kỷ lục trong tài khóa 2022]
Cụ thể, trong tháng Năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 2,8% xuống 7.240 tỷ yên, trong khi nhập khẩu giảm 10,2% xuống 8.430 tỷ yen, do lượng nhập khẩu năng lượng từ dầu thô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng giảm.
Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 5 giảm 38,%, xuống còn 1.190 tỷ yen (8,3 tỷ USD).
Quốc gia khan hiếm tài nguyên như Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi chi phí nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao, cùng với việc đồng yen lao dốc đã làm tăng giá mặt hàng này.
Trong tháng Năm vừa qua, tỷ giá đồng USD so với đồng yen ở mức 137,37 yen/USD, cao hơn 6,7% so với tháng 5/2022. Đồng yen mất giá được xem là một điểm cộng để tăng sức mua của du khách nước ngoài đến Nhật Bản.
Ngành du lịch Nhật Bản đã ghi nhận sự phục hồi trong những tháng gần đây, sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, thâm hụt thương mại dịch vụ của nước này trong tháng 5 lớn hơn so với một năm trước đây, trong khi thặng dư du lịch tăng gần 8,5 lần so với một năm trước đây, lên 274,4 tỷ yen./.