Theo báo cáo do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 21/6, Nhật Bản xếp thứ 125 trên tổng 146 quốc gia trong bảng xếp hạng về bất bình đẳng giới trong năm 2023.
Hãng Kyodo dẫn báo cáo hằng năm về khoảng cách giới của WEF cho hay sự tham gia của phụ nữ Nhật Bản vào chính trị và kinh tế chưa có sự cải thiện khiến nước này tụt từ vị trí 116 trong bảng xếp hạng năm ngoái của WEF xuống vị trí 125 trong năm nay.
Báo cáo cho thấy mức trên thậm chí còn thấp hơn so với vị trí 121 trong số 153 quốc gia được ghi nhận trong báo cáo của WEF hồi tháng 12/2019. Tuy nhiên, Nhật Bản đã đạt được điểm số cao về trình độ học vấn và sức khỏe của phụ nữ.
[Nhật Bản: Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm kỷ lục năm thứ 7 liên tiếp]
Báo cáo, vốn theo dõi tiến trình hướng tới bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế, lưu ý rằng chỉ 10% số nghị sỹ và chỉ 8,3% các vị trí bộ trưởng tại Nhật Bản do phụ nữ nắm giữ.
Trong số các quốc gia thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhật Bản xếp sau Italy - quốc gia nắm vị trí thứ 79 trong bảng xếp hạng của WEF. Đức đứng ở vị trí thứ 6 và đây là vị trí cao nhất trong Nhóm G7.
Về trao quyền chính trị, Nhật Bản đứng thứ 138 sau Saudi Arabia và Kuwait -2 quốc gia vốn đứng lần lượt ở vị trí 131 và 137 trong tiêu chí này.
Iceland vẫn là quốc gia có bình đẳng giới nhất, đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đó là Na Uy và Phần Lan.
New Zealand là quốc gia có thành tích tốt nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khi đứng ở vị trí thứ tư, tiếp theo là Philippines ở vị trí thứ 16.
WEF ước tính sẽ mất 131 năm để thu hẹp hoàn toàn khoảng cách giới tính toàn cầu, thấp hơn so với mức 132 năm ước tính vào năm 2022./.