Ngày 11/3, cùng với những bó hoa, lời cầu nguyện và những giọt nước mắt, Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm 8 năm ngày xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, tàn phá các tỉnh duyên hải Đông Bắc nước này, khiến 18.500 người thiệt mạng và mất tích.
Tại lễ tưởng niệm diễn ra ở thủ đô Tokyo, đúng 14 giờ 46 (giờ địa phương, tức 12 giờ 46 giờ Việt Nam) - thời khắc xảy ra trận động đất với cường độ 9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, các nghị sỹ và người thân các nạn nhân, đã cúi đầu, dành 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và mất tích.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Abe đã bày tỏ sự đau buồn khi nghĩ về những người đã mất đi người thân, họ hàng và bạn bè.
Theo ông, 8 năm trôi qua, công cuộc tái thiết vẫn đang tiến triển, và chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh công cuộc tái thiết cũng như hỗ trợ hàng nghìn người dân vốn đang phải vật lộn với điều kiện sống gặp nhiều khó khăn.
[Nhật sử dụng robot kiểm tra nhiên liệu phóng xạ tại nhà máy Fukushima]
Dưới những cơn mưa phùn, người dân sinh sống tại các thị trấn ven biển bị sóng thần tàn phá đã đặt những bông hoa và cúi đầu tưởng niệm khi nhớ lại thời khắc cơn sóng thần ập vào, tàn phá các khu dân cư và cuốn đi những người dân chỉ trong chốc lát.
Không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và tàn phá tài sản, sóng thần còn gây ra sự cố phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho thấy tính đến ngày 8/3, đã có 15.897 người thiệt mạng và 2.533 người mất tích, chủ yếu ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima, trong trận động đất, sóng thần.
Thêm vào đó, hơn 3.700 người, chủ yếu đến từ thành phố Fukushima tử vong vì bệnh tật hoặc tự sát do hậu quả của thảm họa.
Trong khi số người phải sơ tán đã giảm mạnh, song hiện vẫn còn 52.000 người chưa thể quay trở về nhà.
Khảo sát của hãng tin Kyodo cho thấy khoảng 1.300 người sống tại các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất có thể phải tiếp tục sống trong các ngôi nhà tạm do chậm trễ trong việc xây dựng nhà cửa cũng như các vướng mắc khác, trong đó có vấn đề tài chính.
Dù không có thông báo chính thức nào cho thấy có người tử vong do hậu quả phóng xạ sau thảm họa, hàng chục lò phản ứng trên khắp Nhật Bản đã phải đóng cửa.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán đối với nhiều khu vực bị ảnh hưởng, ngoại trừ một số khu vực vẫn còn nồng độ phóng xạ cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang khuyến khích người dân quay trở về nhà.
Dự kiến, thị trấn Okuma - nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm sơ tán tại một số khu vực trong thị trấn từ tháng 4 tới./.