Tiếp nối mạch tự sự trong “Để yên cho bác sĩ hiền” (2018), cuốn “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” là những ghi chép của bác sỹ Ngô Đức Hùng (công tác tại Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Hà Nội), người trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam.
Cuốn sách ra đời trong những ngày cả nước lại đang nóng lên vì dịch COVID-19. Khi cuốn sách được mở bán online, 1.500 bản đã được bán hết trong vòng nửa ngày. Ngày 18/5, sách đã có bán tại các nhà sách toàn quốc.
Nhà xuất bản Thế giới, Công ty Nhã Nam và tác giả có chung kỳ vọng rằng cuốn sách sẽ tiếp thêm niềm tin về sự tử tế của con người, về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhân ái của cộng đồng, hướng con người tới những điều tốt đẹp dù bé nhỏ.
Nội dung sách được chia làm bốn chương. Phần mở đầu là những sự kiện, dự báo về COVID-19, lúc này vẫn còn là con virus chưa được đặt tên chính xác và gây hoang mang lớn đối với y học thế giới.
Chương hai là những câu chuyện được viết ngay trong tâm dịch: Khu bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa lần đầu tiên và tác giả xung phong đi vào giữa chiến tuyến. Chương ba là một "nhịp thở chậm" khi cả xã hội giãn cách, tác giả đi bên lề cuộc đời, ngắm "những yêu và sống," những diễn biến thay đổi chưa từng có trong lịch sử. Chương bốn đưa người đọc quay trở lại giữa tâm dịch một lần nữa ở những chiến tuyến khác nhau.
Mang giọng văn hài hước và tinh thần cầu thị, cuốn sách hé lộ những câu chuyện ít biết về dịch bệnh. Qua đó, bác sỹ Ngô Đức Hùng bày tỏ sự phản đối thái độ cực đoan của xã hội với những người mắc bệnh và những người liên quan, đặc biệt là sự kỳ thị dành cho đội ngũ y bác sỹ tham gia chống dịch.
Có những câu chuyện mang màu sắc hài hước, nhưng cũng có những chuyện làm người ta nhói lòng như chuyện bác nông dân trong bệnh viện dã chiến, ngày ngày ủ dột lo đôi lợn ở nhà chết đói vì hàng xóm không ai sang giúp đỡ vì sợ nhiễm bệnh.
[Bác sỹ Ngô Đức Hùng: Chấp nhận mang tiếng xấu để lan tỏa điều tử tế]
Bản thân tác giả cũng bị xa lánh ở khu chung cư từ lúc bùng dịch. Những câu chuyện xót xa về đồng nghiệp của anh bị vu khống trên mạng nội bộ khu dân cư, những người mắc bệnh bị truy vết và đấu tố trên các mạng thông tin, cho thấy sự "ác ý hồn nhiên" của dư luận và sự nguy hiểm của việc kỳ thị bệnh nhân.
"Triệu chứng của họ có thể không có gì, nhưng nỗi sợ mơ hồ về sự kỳ thị, nỗi sợ khi mình trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác mới nặng nề trong mỗi người," tác giả viết.
Cuốn nhật ký giúp người đọc nhìn lại hơn một năm đi qua những hỗn loạn do dịch bệnh gây ra, lắng lòng thương cảm cho những người bệnh chẳng may bị lây nhiễm và thấu hiểu hơn cho những con người đang ở tuyến đầu chống dịch, đẫm mồ hôi và giấu mệt mỏi trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, để giữ cho một Việt Nam đạt được bình thường mới như tất cả chúng ta đều mong cầu./.