Nhật-Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh trong các vấn đề nóng

Việc các quan chức ngoại giao, quốc phòng hàng đầu của hai nước thể hiện được sự kết nối chặt chẽ với nhau sẽ góp phần tăng cường sức mạnh răn đe của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
(Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Kono Taro trong tuần này đã lần lượt đi thăm Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang leo thang căng thẳng, trong khi Triều Tiên cũng liên tục có các hành vi khiêu khích quân sự.

Với việc những người phụ trách đối ngoại và an ninh của hai nước đồng minh Nhật Bản và Mỹ gặp mặt để cùng chia sẻ nhận thức chung và các biện pháp đối phó với những vấn đề nêu trên, cả Tokyo và Washington muốn cho cộng đồng quốc tế thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa hai bên vì hòa bình và ổn định của thế giới.

Theo báo Nihong Keizai, Ngoại trưởng Motegi thăm Mỹ từ ngày 13/1 và có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Mike Pompeo vào ngày 14/1.

Ngoại trưởng hai nước cũng đang lên kế hoạch cho cuộc gặp ba bên với ngoại trưởng Hàn Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Kono đã tới thị sát hệ thống tên lửa đánh chặn mặt đất tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii trong ngày 13/1 và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong ngày 14/1.

[Mỹ tuyên bố muốn sửa đổi hiệp ước an ninh với Nhật Bản]

Cả hai chuyến thăm này đều là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của hai quan chức cấp cao nhất của Nhật Bản về ngoại giao và quốc phòng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe cải tổ nội các hồi tháng 9/2019.

Hiện nay, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran đã tạm thời lắng dịu, nhưng lo ngại về những diễn biến bất ngờ vẫn chưa mất đi.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tình hình Trung Đông sẽ là vấn đề nghị sự quan trọng nhất trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Motegi. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Kono cũng cho biết muốn hội đàm với người đồng cấp Mỹ để có sự phối hợp ăn khớp với nhau trong các vấn đề nóng của thế giới và khu vực.

Với Nhật Bản, sự ổn định tại Trung Đông là cực kỳ quan trọng. Gần 90% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Trung Đông. Do vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định cử hai máy bay tuần tra và một tàu chiến tới Trung Đông để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền thương mại qua lại khu vực này. Quyết định này cũng nhằm tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa Nhật Bản với Mỹ.

Trong khi Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Iran thì Tokyo lại có quan hệ hữu hảo, truyền thống với Tehran. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho rằng Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của Tokyo trong vấn đề Trung Đông bởi Nhật Bản có thể đối thoại được với Iran.

Là những người đã tiếp xúc, đối thoại với các quan chức Iran, Ngoại trưởng Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Kono có thể trực tiếp chuyển tới Mỹ những thông điệp từ Iran. Điều này rất có ý nghĩa trong việc khẳng định tầm quan trọng của Nhật Bản.

Hiện nay, Thủ tướng Abe cũng đang có chuyến thăm lịch sử tới 3 nước ở Trung Đông là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Oman.

Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Abe đánh giá cao tuyên bố mang tính kiềm chế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải căng thẳng tại Trung Đông.

Với việc có thể đối thoại với nhiều nước có tiếng nói ở Trung Đông, Nhật Bản đang chứng tỏ vị thế của mình với quốc tế.

Một vấn đề quan trọng khác trong chuyến thăm của hai quan chức Nhật Bản là việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo thời gian qua. Trong bối cảnh này, cả Nhật Bản và Mỹ đều muốn điều chỉnh sự liên kết trong việc trao đổi thông tin và cách thức đối phó với Triều Tiên.

Trong tháng 12/2019, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cũng đã cùng người đồng cấp Nhật Bản Akiba Takeo đặt ra nhiều tình huống giả tưởng và thảo luận ý kiến về cách thức đối phó để thúc đẩy Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Cuộc gặp dự kiến giữa ngoại trưởng 3 nước Nhật-Mỹ-Hàn cũng sẽ trở thành nơi ba bên tập trung thảo luận vấn đề Triều Tiên.

Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời giữa Nhật-Mỹ-Hàn, Nhật-Mỹ và Nhật-Hàn thì mới có thể kiềm chế được Triều Tiên.

Tại Mỹ, chuyến thị sát căn cứ Aegis Ashore của Bộ trưởng Kono cũng là cơ hội tuyệt vời để Nhật Bản và Mỹ thảo luận cụ thể cách thức đối phó với nguy cơ từ Triều Tiên. Hai bên cũng sẽ thảo luận phương thức hợp tác trong lĩnh vực không gian mạng và không gian vũ trụ.

Ngày 19/1 tới là tròn 60 năm ngày Nhật Bản và Mỹ ký Hiệp ước an ninh.

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản nhận định việc các quan chức ngoại giao, quốc phòng hàng đầu của hai nước thể hiện được sự kết nối chặt chẽ với nhau sẽ góp phần tăng cường sức mạnh răn đe của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục