Thủ tướng Abe kỳ vọng ký kết thành công thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản đang đặt nhiều kỳ vọng vào hai điều: đạt được một thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ và bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Thủ tướng Abe kỳ vọng ký kết thành công thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 23/9 đã bắt đầu chuyến công du tới New York của Mỹ.

Theo giới quan sát, ông Abe đang đặt nhiều kỳ vọng vào hai điều: đạt được một thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ và bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Theo dự kiến, ông Abe sẽ có năm thứ bảy liên tiếp tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Thủ tướng Nhật Bản sẽ có bài phát biểu vào ngày thứ Ba (24/9), trong đó nhấn mạnh việc nước này ủng hộ cách tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến ô nhiễm rác thải nhựa.

Tuy nhiên, một điểm nổi bật chính trong chuyến đi của ông sẽ là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư (25/9). Hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ ký một thỏa thuận thương mại song phương sau khi các cuộc đàm phán kết thúc.

Theo thỏa thuận mà Tổng thống Trump coi là một “chiến thắng,” Nhật Bản sẽ cắt giảm thuế đối với thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, qua đó giúp làm dịu những lo ngại của người nông dân nước này về việc họ gặp bất lợi kể từ khi Nhật Bản tham gia các hiệp định thương mại tự do mà không có Mỹ.

Việc Nhật Bản chấp nhận hạ thuế nông sản nhằm đảm bảo rằng Mỹ sẽ không áp thuế cao hơn đối với mặt hàng ôtô của nước này.

[Ngoại trưởng Nhật Bản tự tin về kết quả đàm phán thương mại với Mỹ]

Ngoài vấn đề thương mại, một vấn đề khác cũng được chú ý nhiều trong cuộc gặp giữa ông Abe và ông Trump là tình hình Iran.

Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã xấu đi sau khi Washington đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được Iran ký với nhóm P5+1, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên quốc gia Vùng Vịnh này.

Tình hình căng thẳng ở Trung Đông càng leo thang hơn nữa kể từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia.

Mỹ đã quy trách nhiệm về các vụ tấn công cho Iran, dù phiến quân Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Tehran đã phủ nhận sự liên quan của nước này với các vụ tấn công.

Theo các quan chức Nhật Bản, Thủ tướng Abe được dự đoán sẽ yêu cầu Tổng thống Trump không leo thang căng thẳng và tránh các cuộc đụng độ quân sự ngoài ý muốn tại khu vực.

Ông Abe cũng sẽ kêu gọi Mỹ đối thoại với Iran vì sự ổn định ở Trung Đông rất quan trọng đối với Nhật Bản, nước phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.