Nhiễm bẩn đầu nguồn sông Đà: Chưa xác định được dầu thải là loại gì?

Nhiễm bẩn đầu nguồn sông Đà: Chưa xác định được loại dầu thải

hiện một số loại hợp chất còn lơ lửng, bám dính vào cây cỏ, đất đá, đáy suối. Do vậy sẽ phải xử lý rất triệt để để nguồn ô nhiễm để đảm bảo chất lượng nguồn nước đầu vào.
Nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sông Đà chia làm hai màu rõ rệt sau sự cố ô nhiễm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Khắc Long (Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình) cho biết tới thời điểm hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định được chất đổ ra đầu nguồn sông Đà là loại dầu thải gì.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố Hà Nội, tổ chức tại thành phố Hòa Bình chiều 17/10.

Nạo vét tất cả bùn đất, vật liệu có thể dính dầu

Ông Long cho hay, vào ngày 13/10, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường nhận được thông tin về sự cố. Đến sáng 14/10, cơ quan này đã báo cáo với Tổng cục môi trường những diễn biến ban đầu về sự việc.

"Sau khi báo cáo sơ bộ, chúng tôi xuống hiện trường kiểm tra khu đổ thải, kiểm tra suối và làm việc với nhà máy [Nước sạch sông Đà - PV] để nắm bắt thông tin," ông Long nói.

Theo ông Long đây cũng là lý do khiến cho vào sáng 14/10, Chi cục Bảo vệ môi trường báo cáo với Tổng Cục môi trường rằng "sự cố cơ bản đã được dọn dẹp."

Vị đại diện Sở Tài nguyên môi trường Hòa Bình cho biết thêm, hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước mặt, nước suối, trầm tích và dầu thải... để đánh giá về tính chất các thành phần.

"Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng chưa biết đây là loại dầu thải gì," ông Long thông tin.

Nói về việc xử lý ô nhiễm sau sự cố, ông Long thừa nhận hiện một số loại hợp chất còn lơ lửng, bám dính vào cây cỏ, đất đá, đáy suối. Do vậy sẽ phải xử lý rất triệt để để nguồn ô nhiễm để đảm bảo chất lượng nguồn nước đầu vào.

Ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Viwasupco cho biết, hiện tại công ty đã thuê Trung tâm ứng phó sự cố An toàn môi trường để nạo vét tất cả bùn đất, vật liệu có thể dính dầu.

[Chất lượng nước sạch sông Đà đã đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế]

Trong khi đó, trả lời về tiến độ tìm ra thủ phạm gây ra sự cố nghiêm trọng này, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình) cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Do liên quan đến vấn đề nghiệp vụ nên chưa thể cung cấp nhận diện về chiếc xe tải đổ trộm dầu thải cũng như lời khai của các nhân chứng.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình) cho biết, hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về việc có điều tra, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công ty nước sạch cùng với việc truy tìm thủ phạm đổ trộm dầu không, Thiếu tá Đức cho hay, cơ quan công an đang tiến hành điều tra và tsẽ xem xét cụ thể. Ông nói, quan điểm của công an tỉnh là sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Quy trình xử lý dầu thải không đúng quy định

Liên quan đến quy trình xử lý chất thải, cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cho biết, qua làm việc đã xác định bên trong Nhà máy Nước sạch sông Đà có 3 hố để tạm thời, có lót đáy và thành bằng bạt nhựa. Các hố này chứa đất đá, cát, lớp nhựa đường bóc lên và bùn nạo vét nhiễm dầu, than hoạt tính dưới suối Trầm (được đổ lẫn với nhau).

Trong đó, khối lượng đất đá, cát, lớp nhựa đường bóc lên nặng khoảng 64 tấn, tương đương 40m3. Khối lượng bùn nạo vét nhiễm dầu, than hoạt tính khoảng 52,5 tấn tương đương với 35m3. Bên cạnh đó, phía Viwasupco còn đang lưu giữ tại kho chứa chất thải nguy hại 5 can 100 lít váng dầu lẫn nước; 7 bao tải cỏ dính dầu (khoảng 60kg).

Đánh giá về cách thức xử lý của Viwasupco, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cho biết, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại. Việc tạm thời để cát, đất đá, nhựa đường lẫn dầu thải trong khuôn viên nhà máy cũng không đúng quy định.

Cơ quan chức năng đề nghị phía Viwasupco cần xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước, đất bùn, cỏ cây nhiễm dầu thải để bảo vệ chất lượng nguồn nước.

Ngoài ra, Công ty này cần khoanh vùng khu vực ô nhiễm, triển khai ngay các biện pháp thu gom dầu thải, bùn đất.... có nhiễm dầu; khẩn trương chuyển giao toàn bộ chất thải nhiễm dầu đang trong khuôn viên nhà máy cho đơn vị có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Toàn cảnh nhà máy nước sông Đà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Viwasupco cũng cần tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước; tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nước và chỉ giới vi phạm bảo vệ công trình công trình Đầm Bài; xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó và khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước; khẩn trương có giải pháp đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín từ Sông Đà và trạm bơm để bơm trực tiếp nước thô từ sông Đà lên bể lắng sơ bộ.

Cơ quan chức năng cũng kiến nghị xem xét xây dựng kênh dẫn nước kín từ Sông Đà về Nhà máy, không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô để cấp nước như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục