Nhiệm kỳ của ông Biden: Kỷ nguyên mới hay chỉ là một sự cách quãng?

Kỷ nguyên Biden sắp tới có thể chỉ là một sự gián đoạn ngắn trong quỹ đạo chính trị của phe cực hữu nổi lên nắm quyền, hoặc nó có thể là tiền đề cho một kỷ nguyên mới trong chính trị tiến bộ.
Nhiệm kỳ của ông Biden: Kỷ nguyên mới hay chỉ là một sự cách quãng? ảnh 1Ông Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, khi lên làm tổng thống, ông Donald Trump đã thực hiện một đường lối phi chính thống trong chính sách kinh tế, kết hợp việc cắt giảm thuế cho giới nhà giàu với chính sách thương mại bảo hộ, bề ngoài nhằm mục đích cứu nền tảng công nghiệp của Mỹ và ngăn chặn tình trạng các công ty Mỹ chuyển công ăn việc làm ra nước ngoài.

Câu hỏi hiện nay không phải là "Liệu chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp tới có tuân theo một lộ trình chính thống, ôn hòa hơn hay không?", bởi câu trả lời chắc chắn là "có."

Thay vào đó, câu hỏi cần đặt ra ở đây là liệu một lộ trình như vậy có thành công hay không?

Có vẻ như không ai nghi ngờ rằng ông Biden, “theo bản năng,” sẽ tuân theo lập trường trung dung trong cách tiếp cận chính trị-kinh tế. Sau cuộc tấn công vào thương mại tự do của Tổng thống Trump, đội ngũ của ông Biden sẽ thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, nhưng với một cách thận trọng - ngừng chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng hạn chế thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới, nhạy cảm hơn với các bang phi công nghiệp hóa vùng Trung Tây từng bỏ rơi bà Hillary Clinton năm 2016 và hầu như không ủng hộ ông Biden vào khoảng thời gian này.

Sẽ không còn việc cắt giảm thuế đối với người giàu dưới thời ông Biden, nhưng việc đưa trở lại mức thuế cận biên thời kỳ tiền Reagan đối với những người có thu nhập cao nhất sẽ không xảy ra.

[Mỹ: Đội ngũ của ông Biden xem xét lại việc giám sát lệnh trừng phạt]

Chính sách xã hội sẽ tập trung chủ yếu vào việc mở rộng mạng lưới bảo hộ cho tầng lớp trung lưu trở xuống, thay vì thúc đẩy mức lương cao hơn cho người lao động thông qua việc tăng mức lương tối thiểu lên đáng kể và hỗ trợ chính trị cho tổ chức công đoàn tích cực hơn.

Tất nhiên, những cải thiện trong mạng lưới bảo hộ xã hội sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức tăng thuế mà những người giàu ủng hộ Đảng Dân chủ và những người theo phe ôn hòa chịu áp lực từ cánh tả của đảng này sẽ đồng ý.

Trong khi việc ông Biden lựa chọn bà Neera Tanden làm giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách đã nhận nhiều lời chỉ trích từ những người theo phe tiến bộ vì sự ủng hộ trước đây của bà Tanden đối với việc cắt giảm an sinh xã hội, thì cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Janet Yellen nhận ít lời chỉ trích nặng nề hơn từ phe cánh tả khi bà được ông Biden chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính.

Tuy nhiên, chính việc bổ nhiệm bà Yellen lại gây hậu quả lớn hơn - và thậm chí có thể còn đáng lo ngại hơn. Việc chỉ số Dow Jones và S&P tăng vào thời điểm tên của bà Yellen được thông báo cho vị trí mới không có gì đáng ngạc nhiên vì trên cương vị chủ tịch Fed, bà đã tiếp nối các chính sách nới lỏng định lượng của người tiền nhiệm Ben Bernanke, hoặc mua các tài sản độc hại của các ngân hàng lớn nhằm giúp các ngân hàng này tồn tại và sử dụng các tài sản này để truyền dòng tiền vào nền kinh tế giúp ngăn chặn suy thoái.

Đây là những khoản đầu tư khó hoặc không thể bán với bất kỳ giá nào vì nhu cầu đối với loại tài sản này đã mất.

Đối với giới Đại tài phiệt và các hãng công nghệ lớn Big Tech, việc bổ nhiệm bà Yellen thay vì bà Elizabeth Warren là một dấu hiệu cho thấy Biden không có khả năng điều chỉnh các nhóm này ngoài khuôn khổ Đạo luật cải cách và bảo vệ người tiêu dùng trên phố Wall (Dodd–Frank) yếu kém thời ông Obama.

Nói tóm lại, một chính sách kinh tế “trung dung” sẽ làm mềm các góc cạnh cứng rắn của chủ nghĩa tân tự do chủ yếu thông qua thuyết thao túng tiền tệ Keynes nhưng không làm tiêu tan định hướng chính sách tân tự do quá mức như cách Đảng dân chủ tiến hành.

Duy trì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản Mỹ sẽ là mối quan tâm trung tâm của những người theo chủ nghĩa thực dụng kinh tế dưới quyền ông Biden, một phần do ảnh hưởng của nhóm Big Tech và Phố Wall đối với giới lãnh đạo đảng Dân chủ.

Việc Tổng thống Trump đổ lỗi cho Big Tech và Phố Wall gây ra thất bại của ông là một thuyết âm mưu ngông cuồng, nhưng có một phần sự thật trong sự điên cuồng của ông: ứng cử viên Đảng dân chủ và đảng của ông đã nhận được sự ủng hộ đáng kể, cả về vật chất và tinh thần, từ giới tinh hoa có học thức cao ở Thung lũng silicon, tầng lớp thượng lưu Phố Wall có trình độ học vấn cao và các tầng lớp kỹ trị có tay nghề nói chung. Đây là một lực lượng đã giúp ông Biden bỏ xa ông Trump về mặt gây quỹ trong suốt chiến dịch.

Như Marx đã nói, lịch sử đầu tiên xảy ra như một bi kịch, sau đó là một vở hài kịch.

Do sự xói mòn trong niềm tin với toàn cầu hóa và chủ nghĩa tân dự do, việc trở lại đường lối ôn hòa chính thống lỗi thời không có khả năng tiếp tục. Sự trở lại này sẽ như một giai đoạn ngắt quãng không ổn định, tồn tại trong thời gian ngắn giữa sự phân cực ngày càng sâu sắc giữa hai phe tả và hữu.

Trong cuộc đấu tranh này, phe cực hữu - dưới sự lãnh đạo của một nhân vật có sức lôi cuốn, người tuy đã thua trong cuộc bầu cử nhưng sẽ tiếp tục là nhân vật thống trị trong nền chính trị của đảng Cộng hòa dưới thời ông Biden - đang thống nhất hơn nhiều về mặt chính trị và tư tưởng so với cánh tả. Đám đông quần chúng náo nhiệt ủng hộ Tổng thống Trump và những người bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa sẽ kết hợp khiến cho những sáng kiến kỹ trị ôn hòa, như nới lỏng định lượng của ông Bernanke và bà Yellen, sẽ rất khó thực hiện.

Kỷ nguyên Biden sắp tới có thể chỉ một sự gián đoạn ngắn trong quỹ đạo chính trị của phe cực hữu nổi lên nắm quyền. Hoặc nó có thể là tiền đề cho một kỷ nguyên mới trong chính trị tiến bộ, một kết quả sẽ phụ thuộc vào việc cánh tả có thể huy động cơ sở của đảng Dân chủ gồm những người lao động, những người tiến bộ và thiểu số để giành lấy thế chủ động từ phe trung dung vốn không có cả ý tưởng và can đảm đoạn tuyệt với quá khứ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.