Theo Latimes.com, Carol Highsmith là một nhiếp ảnh gia kỳ cựu từng có mặt tại mọi miền nước Mỹ nhằm ghi lại cuộc sống của đất nước vào đầu thế kỷ 21, để truyền lại cho thế hệ sau.
Bà đã và đang đóng góp các tác phẩm của mình cho công chúng thông qua Thư viện Quốc hội. Thư viện gọi hành động của bà là “một trong số những đóng góp hào phóng nhất trong lịch sử Thư viện.”
Kho lưu trữ Carol M. Highsmith được kỳ vọng sẽ chứa đựng hơn 100.000 bức ảnh; người dùng internet có thể truy cập vào kho lưu trữ này một cách miễn phí thông qua trang web của thư viện.
Vì vậy, thật khó có thể tưởng tượng được phản ứng của bà Highsmith khi nhận được một lá thư đe dọa vào tháng 12 năm ngoái từ một công ty liên kết với hãng cung cấp ảnh có bản quyền Getty Images.
Nội dung thư cáo buộc bà vi phạm bản quyền khi đăng tải một trong số những bức ảnh của chính... bà lên mạng. Công ty này yêu cầu mức “bồi thường giải quyết” 120 USD từ quỹ phi lợi nhuận mang tên "This Is America!" kèm theo đó là lời đe dọa đưa vụ việc ra tòa.
Thực ra, ta không cần phải tưởng tượng ra phản ứng của bà Highsmith, mà hoàn toàn có thể đọc những phản ứng đó trong hồ sơ vụ kiện Getty được bà trình lên Tòa án Liên bang New York. Trong đơn, bà cáo buộc hãng này phạm tội nhận bản quyền trái phép cho 18.755 bức ảnh của mình và yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 1 tỷ USD.
Hồ sơ vụ kiện còn nhắc tới Alamy, một đơn vị cung cấp bản quyền ảnh tại Anh được cho là đơn vị nắm giữ bản quyền bị vi phạm.
Bà Highsmith cho biết cả Getty và Alamy đều không có quyền nhận bản quyền hay giấy phép sử dụng các bức ảnh của bà.
Getty không hề chỉ ra rằng Highsmith là người sáng tạo ra hay là người nắm giữ bản quyền của những bức ảnh mà hãng này bán cho công chúng. Getty cũng không hề cho người dùng biết rằng những bức ảnh này có thể được tải miễn phí với định dạng số chất lượng cao từ Thư viện Quốc hội.
Theo bà Highsmith, điều này có thể gây tổn hại tới danh tiếng của bà. Công chúng có thể gây hiểu lầm rằng bà đang cố gắng thu lợi từ những bức ảnh trước đó đã được đóng góp cho cộng đồng.
Cả Getty lẫn Alamy đều chưa có câu trả lời chính thức với vụ kiện. Tuy nhiên, trong một tuyên bố chính thức, Getty cho biết vụ kiện “dựa trên một số quan niệm sai lầm” và dự định sẽ “(tự) bào chữa một cách quyết liệt.”
Hãng này thừa nhận rằng những bức ảnh thuộc quyền sở hữu chung, song vẫn khăng khăng rằng họ nắm quyền tính phí cho việc phân phối các bức ảnh. “Phân phối và cung cấp quyền truy cập tới các nội dung công cộng khác với khẳng định quyền sở hữu tác quyền của các nội dung đó,” Getty cho hay.
Điều này là đúng nhưng đồng thời cũng lờ đi việc ai đã cho phép đơn vị này phân phối những nội dung đó dưới bất kỳ điều khoản nào.
Alamy thậm chí còn kín tiếng hơn. Một nhân viên làm việc tại văn phòng Brooklyn của đơn vị này cho biết: “Chúng tôi đang xem xét vấn đề và không có bình luận nào khác.”
Cả hai đơn vị dường như đều đã gỡ bỏ những bức ảnh của Highsmith khỏi trang web của mình.
Hiện vẫn chưa rõ ý định của Getty và Alamy là gì. Song rõ ràng vụ việc đã chỉ ra những bối rối đang tồn tại trong thế giới bản quyền số.
Khi ta có thể có được những bức ảnh và nội dung trên mạng chỉ với một vài cú nhấp chuột và tái sản xuất những nội dung này dưới bất kỳ dạng thức nào ta muốn, thì thật khó để biết ai là chủ sở hữu thực sự.
Như thế, con đường không chỉ rộng mở cho hành động ăn cắp nội dung, mà còn cho cả việc nhận bản quyền một cách bất hợp pháp, như trong vụ của bà Highsmith.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Getty vướng vào kiện tụng kiểu này. Vào năm 2013, một thẩm phán tòa án liên bang đã đưa ra phán quyết rằng Getty và AFP đã “cố tình vi phạm” bản quyền của một nhiếp ảnh gia, người sở hữu 8 bức ảnh về trận động đất năm 2010 ở Haiti.
Nhiếp ảnh gia đã đăng các bức ảnh lên Twitter và bị Getty lấy lại để bán. Getty sau đó đã thừa nhận trách nhiệm pháp lý, và cùng với AFP bồi thường thiệt hại tới 1,5 triệu USD.
Điều đáng xấu hổ trong vụ việc của Highsmith chính là việc nhiếp ảnh gia này đã cho thấy rằng mình cống hiến hết lòng vì cộng đồng. Những bức ảnh của bà, với bố cục và sự kết hợp màu sắc đáng kinh ngạc, đã ghi lại một cách đẹp đẽ những con người, các công trình và phong cảnh của nước Mỹ.
Bà bắt đầu đóng góp các tác phẩm của mình cho công chúng từ năm 1992, đồng thời tập trung vào tham vọng tới thăm tất cả các bang trong nước Mỹ.
Những đóng góp của bà tiếp nối truyền thống được xây dựng bởi Dorothea Lange, một nhiếp ảnh gia thời kỳ Khủng hoảng, với các tác phẩm được sinh ra trong những lần đi thực tế dưới sự điều động của tổ chức Quản lý An ninh New Deal Farm đã vẽ nên một bức tranh in sâu vào tâm trí người thưởng thức về một nước Mỹ thời bấy giờ.
Một ví dụ điển hình là bức ảnh chụp bà mẹ Florence Owens Thompson đến từ Nipomo, California năm 1936 của Lange - đây là một biểu tượng văn hóa thuộc về quốc gia Mỹ.
Nếu muốn sử dụng nó, bạn có thể tải nó trên trang Getty Images với mức giá có thể vượt qua mốc 5,000 USD. Hoặc, giống như những bức ảnh của Highsmith, bạn có thể tải bức ảnh miễn phí từ Thư viện Quốc hội Mỹ mà không chịu bất kỳ rào cản nào. Lựa chọn là ở bạn./.