Hơn 160 bài viết, 2 video clip, 8 tiểu phẩm có nội dung về giá trị của bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc vận dụng, học tập Di chúc của Bác đối với cán bộ, đảng viên, người lao động đã được giới thiệu tại Vòng chung kết Hội thi "Tự hào ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)," do Đảng ủy Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 30/8.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đây là hoạt động chuyên đề về 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giúp cán bộ, công chức, người lao động nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; đồng thời giúp đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[Lễ kỷ niệm Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh]
Theo Ban Giám khảo Hội thi, hầu hết các bài dự thi đều đảm bảo đúng chủ đề, có nội dung phong phú, nhất là gắn học tập Di chúc của Bác Hồ vào công việc hằng ngày.
Các bài viết có sự đầu tư kỹ lưỡng, hình ảnh minh họa đa dạng, thể hiện được quan điểm, trách nhiệm của người công chức, viên chức lao động thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.
Điển hình như thí sinh Đặng Thị Ngọc Linh, thuộc Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu, đã dành gần 1 tháng để hoàn thành bài viết cùng tư liệu hình ảnh dài gần 70 trang.
Nội dung bài viết đã khẳng định giá trị cốt lõi của bản Di chúc của Bác, bài học từ Di chúc và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ bài viết học tập Di chúc của Bác, thí sinh Đặng Thị Ngọc Linh cho rằng cán bộ trẻ ngày nay cần phải xác định mình đang ở đâu, làm việc gì, để từ đó có cách làm đúng, làm nhanh, hiệu quả, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Cán bộ trẻ cũng cần thể hiện tính xung kích, tình nguyện, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Ngoài ra, cán bộ công chức phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, trao dồi, học hỏi kinh nghiệp, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ quan, đơn vị, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Tại phần thi tiểu phẩm với chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp,” các đội dự thi cũng xây dựng kịch bản từ những tình huống thực tiễn tại đơn vị. Cụ thể như tiểu phẩm “Buổi thăm gặp” của Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa, “Ngày trở về” của Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Đức, “Nghị lực trên đôi chân” của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp...
Không sắc nét nhưng các diễn viên là công nhân, viên chức đều chuyển tải được nội dung, thông điệp của tiểu phẩm, qua đó giúp cho người xem rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng thái độ ứng xử chừng mực, hòa nhã, tạo sự hài lòng cho người dân, tổ chức khi đến liên hệ công tác.
Theo Chủ tịch Công đoàn Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Trí, hội thi đã để lại nhiều bài học sâu sắc từ thực tiễn của xã hội và qua việc thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ đây, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ chọn cho mình bài học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; thể hiện ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cũng tại vòng chung kết, Ban tổ chức trao giải thưởng cho 15 cá nhân và 8 tập thể có bài viết, tiểu phẩm đạt thành tích cao tại Hội thi.
Thí sinh Đặng Thị Ngọc Linh, Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu xuất sắc đoạt giải nhất phần thi viết./.